Có ý kiến cho rằng: Dường như nhà văn nào cũng có khát vọng đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.
Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Từ đó, liên hệ với nhân vật thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao để thấy điểm gặp gỡ của hai nhà văn trong quan niệm về vẻ đẹp con người.
Gợi ý làm bài:
Mở bài:
- Đi từ hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam, liên hệ đến hai tác phẩm Vợ Nhặt và Chí Phèo
- Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ Nhặt và tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo.
- Điểm gặp gỡ giữa hai tác giả :“Dường như nhà văn nào cũng có khát vọng đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”
Thân bài:
- Giải thích ý kiến: Hạt ngọc ẩn sâu tâm hồn con người là vẻ đẹp tâm hồn mà chỉ khi nào ta khám phá, tìm kiếm thì mới phát hiện được. Nhà văn là người luôn hành trình trong cuộc tìm kiếm vẻ đẹp khuất lấp ấy để trân trọng, nâng niu, cảm thông. Đó cũng là thái độ sống tích cực.
- Vẻ đẹp tâm hồn của Thị trong truyện Vợ Nhặt
- Người phụ nữ có lòng ham sống, khát vọng sống mãnh liệt
+ Chỉ vài ba câu bông đùa, bữa ăn ở chợ, Thị đã về làm vợ Tràng. Điều ấy cho thấy Thị không muốn buông xuôi số mình cho cuộc đời, Thị cố gắng bám lấy, tầm gửi đời mình vào một người khác
+Nhờ lòng ham sống mà Thị tìm thấy bến đậu của mình, tuy đó không phải nơi lý tưởng nhưng cũng chan chứa tình người. Thị làm nên sự thay đổi kì diệu cho cuộc sống của xóm ngụ cư, thổi vào đấy một luồng sinh khí khiến những người nơi đây như vui tươi, phấn chấn hẳn lên.
- Người phụ nữ hiền thục, vợ hiền dâu thảo, biết lo toan, vun vén cho gia đình:
+ Từ ngày theo Tràng về, Thị mất đi sự đanh đá, chỏng lỏn như trước kia. Thị đã thẹn thùng, ý tứ, lễ phép: “Thị ngượng ngịu, chân nọ bước díu cả chân kia”, “ngồi mớm xuống mép giường”, “Thị cất tiếng chào lần nữa: U đã về ạ”
+ Sáng hôm sau về nhà chồng, Thị trở thành người vợ đảm đang cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa, nấu cơm cho cả gia đình: “vợ hắn quét lại cái sân”, “người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp”.
- Người phụ nữ hiểu chuyện, biết điều
+ Thị hiểu, cảm thông và chấp nhận hoàn cảnh gia đình của Tràng thông qua các chi tiết: “Thị nén tiếng thở dài” khi nhìn thấy cảnh nhà rách rưới của Tràng; trong bữa ăn khi đón lấy bát cháo từ tay mẹ chồng “Thị điềm nhiên và vào miệng”.
+ Thị là người mang đến những tin tức mới như chuyện người đói phá kho thóc Nhật, họ không đóng thuế nữa…
- Đánh giá: Thị là nhân vật trung tâm để Kim Lân bộc lộ ý tưởng của mình khi viết tác phẩm: Con người ta có thể bị cái đói, cái khổ che khuất cái đẹp tạm thời nhưng nó không đủ sức phủ nhận vẻ đẹp thực sự bên trong họ. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất con người vẫn tìm đến hạnh phúc, họ đối mặt với khó khăn bằng tình yêu thương, lòng vị tha. Cái đói quay quắt không khiến con người nghĩ đến cái chết mà họ tìm về sự sống.
- Kim Lân còn thành công ở nghệ thuật xây dựng nhân vật thông qua tình huống truyện, diễn biến tâm lí, lối kể truyện hóm hỉnh…
- Liên hệ với nhân vật thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” để thấy sự gặp gỡ của hai nhà văn trong quan niệm về vẻ đẹp con người
- Thị Nở với ngoài hình xấu xí đến ma chê quỹ hờn “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn. Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi. Thêm vào đó Thị lại dở hơi, dòng họ nhà có hủi.
+ Tuy nhiên, chỉ có Thị Nở mới đối xử chân thành với Phèo, Thị là người duy nhất quan tâm đến sức khỏe Phèo và giao tiếp với Chí như một con người chứ không phải con quỹ. Thị khơi dậy trong lòng Phèo niềm khao khát hoàn lương. Xét ở một góc độ nào đó, Thị là người tốt nhất trong làng Vũ Đại.
- Nhận xét về sự gặp gỡ trong quan niệm của hai nhà văn về vẻ đẹp con người
- Vẻ đẹp con người không phải ở ngoại hình, lời nói mà ở hành động, cử chỉ, ở cách họ đối đãi với người khác
- Những phẩm chất đáng quý đó không phải ai cũng thấy được, chúng ta phải biết nhìn, thấu hiểu, khám phá bản chất thực sự bên trong.
- Phát hiện vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn con người là biểu hiện của tinh thần nhân đạo sâu sắc của các nhà văn. Đây cũng là cảm hứng chủ đạo trong văn học Việt Nam khi viết về số phận và vẻ đẹp của người lao động.
Kết bài: Khái quát lại vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam nói chung và hai nhân vật Thị và Thị Nở nói riêng, đồng thời khẳng định tài năng cùng tư tưởng nhân đạo mà hai nhà văn thể hiện.