Văn 12: Phân tích bài thơ “Mình về mình có nhớ ta…. nói gì hôm nay” trong bài thơ Việt Bắc
“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.
DÀN Ý
Mở bài:
- Sau chiến thắng Điện biên phủ tháng 10 -1954, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu VB về Hà Nội, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc trong hoàn cảnh ấy bằng nỗi niềm lưu luyến nhớ thương.
- Đoạn thơ này nằm trong đầu bài thơ như một tiếng hát ân tình son sắt xuyên suốt cả bài thơ.
Thân bài:
- Tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của người miền ngược, kẻ miền xuôi, người đi, kẻ ở
+ Trong đoạn thơ 8 dòng đã xuất hiện 4 từ nhớ, dường như nỗi nhớ đã bao trùm toàn bộ đoạn thơ và cả bài thơ. Nỗi nhớ chi phối tâm trạng, cảm xúc của tác giả và tạo nguồn cảm hứng để hình ảnh VB cùng những kỉ niệm hiện dần lên.
+ Tố Hữu thật khéo léo khi vận dụng thể thơ lục bát uyển chuyển để diễn đạt nỗi nhớ thương. Thể lục bát rất thích hợp để tâm tình, để bày tỏ, với lối gieo vần linh hoạt, ngắt nhịp đều đặn, câu thơ mềm mại lúc khoan lúc nhặt như nỗi tỉ tê của những người mang tâm sự trước lúc chia ly.
+ Tác giả sử dụng nhiều từ láy diễn tả tâm trạng như “tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn, da diết” để nói lên chiều sâu tình cảm của quân và dân.
+ Đoạn thơ là lời đối đáp của hai nhân vật trữ tình “mình”, “ta” nhưng thật sự là tác giả phân thân để tường tận tấm lòng, nỗi lưu luyến và ân tình sâu nặng đối với người Việt Bắc. Cách xưng hô mình ta cũng lấy từ ca dao nhưng lại chuyển tải tâm hồn nội dung của thời đại.
- Tình cảm son sắt, thủy chung của nhà thơ với VB
+ Thời gian gắn bó của tác giả và Việt Bắc đủ lâu để nuôi dưỡng mối tình quân dân đậm sâu. Việt Bắc đối với TH không chỉ là nơi gắn bó một khoảng thời gian mà giống như nguồn cội, vì thế nhà thơ viết “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”.
+ Với tác giả những gì thuộc về VB cũng đáng để khắc ghi, từ chiếc áo chàm lam lũ đến tiếng hát tha thiết du dương. Từ rừng cây đến núi đá đâu đâu cũng chất chứa những kỉ niệm.
+ Chất giọng ân tình xuyên suốt bài thơ tạo nên giọng điệu đặc sắc của thơ TH, cho thấy tình cảm gắn bó của tác giả đối với cách mạng, nhân dân.
Kết bài:
- Đoạn thơ là tình cảm gắn bó, thủy chung của nhà thơ đối với cảnh và người VB, cũng là mối quan hệ cá nước của nhân dân và cách mạng.
- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ đậm chất văn học truyền thống mang tâm hồn hiện đại.