Đề số 7 – Ôn tập văn tốt nghiệp THPT 2018 – Có đáp án

Bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT 2018

Đề 7

Phần I: Đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong cuộc sống hàng ngày của con người, ăn mặc là vấn đề rất quan trọng. Do đó, ăn mặc cũng là một trong những biểu hiện của văn hóa. Thực tế cho thấy, nhiều người quan niệm rằng chuyện ăn mặc là chuyện riêng tư và là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Khi ăn mặc điều quan trọng nhất là bản thân cảm thấy thích và hợp gu với thời đại là đã ăn mặc đẹp. Vì thế, ngày nay có không ít bạn trẻ mỗi khi ra đường thì khoác lên mình những bộ quần áo trông thật “mát mắt” mà các bạn thường cho rằng đó là phong cách thời trang của giới trẻ.

Ăn mặc đẹp là nhu cầu tất yếu, là chuyện bình thường đối với cuộc sống của mỗi con người. Tuy nhiên, mỗi người phải biết chọn cách ăn mặc sao cho có văn hóa mới là điều đáng nói. Nó không phải làm đẹp theo sở thích, theo gu cá nhân của giới trẻ, mà ăn mặc đẹp phải phù hợp với nhiều yếu tố liên quan đến cá nhân của mỗi người như: lứa tuổi, vóc dáng cơ thể, đối tượng giao tiếp, môi trường sống… Tùy theo hoàn cảnh giao tiếp mà chúng ta chọn cách ăn mặc cho thích hợp.

(Văn hóa mặc – Từ Xuân Trọng)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích

Câu 2: Trong đoạn trích, người viết đã chỉ ra yếu tố nào giúp ta ăn mặc đẹp?

Câu 3: Anh chị hiểu thế nào về ý kiến “ăn mặc cũng là một trong những biểu hiện của văn hóa”

Câu 4: Qua đoạn trích, anh chị rút ra bài học gì về cách ăn mặc sao cho phù hợp với thời đại mà vẫn đẹp?

Phần II: Tập làm văn

Câu 1: Từ đoạn văn từ phần đọc hiểu, anh chị hãy viết một bài văn ngắn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề  ăn mặc của giới trẻ hiện nay.

Câu 2:

Chao ôi, người ta dựng vợ gã chồng cho con là lúc ăn nên làm nổi, những mong sinh con cái nở mặt sau này. Còn mình thì…trong kẻ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”

( Vợ nhặt – Kim Lân)

“Thằng nhỏ cho đến lúc này vẫn chẳng hề hé răng, như một viên đạn bắn vào người đàn ông và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, làm rỏ xuống những dòng nước mắt”.

( Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

Trình bày cảm nhận của anh chị về chi tiết dòng nước mắt trong hai đoạn văn trên.

Gợi ý làm bài

Phần I:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2: Những yếu tố giúp ăn mặc đẹp: tùy thuộc vào lứa tuổi, vóc dáng cơ thể, công việc, môi trường sống…lựa chọn trang phục

Câu 3: Ăn mặc cũng là một trong những biểu hiện của văn hóa vì: qua trang phục có thể đánh giá được trình độ văn hóa, địa vị, sở thích của mỗi người; ăn mặc không chỉ làm đẹp cho chính mình mà còn thể hiện sự tôn trọng, tính lịch thiệp với người khác.

Câu 4: Có thể trả lời như sau:

  • Đơn giản, kính đáo, lịch sự
  • Phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt
  • Không đua đòi theo những môt thời thượng.

Phần II:

Câu 1: Vấn đề nghị luận: ăn mặc của giới trẻ hiện nay

  • Thực trạng: bên cạnh nhiều người có cách ăn mặc phù hợp thì không ít bạn trẻ có xu hướng thời trang lố lăng, thiếu văn hóa, chạy theo thời thượng…cho mình là phong cách.
  • Nguyên nhân: xuất phát từ tính đua đòi theo cái mới, đua đòi cho bằng bè bằng bạn mà không ý thức được cái đẹp phải đi liền với thuần phong, mỹ tục; không biết tiếp thu, lựa chon cái hay, hòa tan theo phong trào.
  • Tác hại: tiêu tốn tiền của, ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc.
  • Giải pháp: nhận thức được ăn mặc đẹp là thế nào; không đua đòi theo mốt, không chạy theo hàng hiệu…
  • ý

Câu 2:

Mở bài: Giới thiệu Kim Lân cùng tác phẩm Vợ nhặt; Nguyễn Minh Châu cùng Chiếc thuyền ngoài xa; khái quát về chi tiết hai dòng nước mắt của hai tác phẩm.

Thân bài:

  • Dòng nước mắt của bà cụ Tứ
  • Hoàn cảnh xuất hiện: tóm tắt tình huống truyện Tràng nhặt vợ và diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ, nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện của dòng nước mắt.

+ Tràng là dân ngụ cư, nghèo lại xấu xí, chỉ vì vài câu bông đùa và bốn bát bánh đúc, Tràng đã nhặt được vợ. Tràng dẫn Thị về nhà ra mắt mẹ mình.

+ Tâm trạng bà cụ Tứ: ban đầu sửng sờ, ngạc nhiên đến không tin vào mắt mình khi người đàn bà kia chào mình bằng U. Bà cụ mừng vì cuối cùng con mình đã có được vợ nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình, bà lại thấy tủi “có gặp bước khó khăn đói khổ này người ta mới lấy đến con mình”. Bà tủi cho số kiếp của con “trong kẻ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”

  • Cảm nhận về ý nghĩ của chi tiết:

+ Là biểu hiện của nỗi đau khổ, day dứt và buồn tủi cho thân phận của con bà, thân phận của chính bà và của cô con dâu mới

+ Giọt nước mắt không tuôn dài mà “rỉ” ra hiếm hoi rất hợp lí bởi vì người già nước mắt chảy ngược vào trong, cả cuộc đời bà đã khóc cạn cho những khổ đau dài dằng dặc.

+ “Hai kẻ mắt kèm nhèm” phác họa nét chân dung đầy khổ hạnh của một đời phụ nữ nông thôn sống nhẫn nhịn và hi sinh.

+ Tình mẫu tử thiêng liêng, tấm lòng của người mẹ nhân hậu tất cả chỉ nghĩ cho con.

  • Giá trị hiện thực: vạch trần tội ác của thực dân và phát xít Nhật đẩy nhân dân vào nạn đói khủng khiếp năm 1945
  • Giá trị nhân đạo: thái độ cảm thông, xót xa và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, nhất là tấm lòng người mẹ.
  • Chi tiết dòng nước mắt của người đàn bà hàng chài
  • Hoàn cảnh xuất hiện:

+ Sơ lược về câu chuyện của người đàn bà hàng chài: người đàn bà trạc ngoài 40, xấu xí, sống bằng nghề chài lưới trên một chiếc thuyền nhỏ. Gia đình thì lại đông con, cuộc sống tù túng, nghèo đói còn bị chồng đánh đập thường xuyên.

+ Diễn biến tâm trạng người đàn bà khi bị chồng đánh trước sự chứng kiến của đứa con và sự xuất hiện của dòng nước mắt

  • Cảm nhận về ý nghĩa của chi tiết:
  • Biểu hiện của nỗi đau khổ, tủi nhục mà người đàn bà gánh chịu: sự nghèo đói, tù túng; nạn bạo hành gia đình
  • Nỗi xấu hổ, cảm thấy có lỗi khi để đứa con chứng kiến cảnh cha nó đánh mẹ nó; nỗi lo lắng về những việc trái với luân thường đạo lí mà thằng con có thể làm để bảo vệ mẹ.
  • Biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng: bà cam chịu bị chồng đánh mà không hề kêu than hay từ bỏ lão cũng bởi vì con, hành động của thằng bé khiến chị sực tỉnh vì nghĩ đến sự phát triển nhân cách của đứa con sau này. Điều đó khiến chị đau hơn bao giờ hết.
  • Giá trị hiện thực: Phản ánh cuộc sống nghèo khổ, tù túng của người dân sau chiến tranh và trước thời kì đổi mới
  • Giá trị nhân đạo: Cảm thông trước số phận người đàn bà và trân trọng những phẩm chất cao đẹp ở người mẹ.
  • Điểm tương đồng và khác biệt:
  • Tương đồng:

+ Đều là những giọt nước mắt của người mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh nhưng tấm lòng vẫn dành cho con tất cả.

+ Đều góp phần thể hiện giá trị nhân đạo và hiện thực của tác phẩm

+ Thể hiện tài năng lựa chọn chi tiết và miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc của hai nhà văn.

  • Khác biệt:

+ Hoàn cảnh hai nhân vật khác nhau, nước mắt cũng mang những nỗi niềm khác nhau: Giọt nước mắt của bà cụ Tứ là nỗi đau cho thân phận đứa con và cho thân phận của mình nhưng ẩn chứa niềm hi vọng của hạnh phúc gia đình và một tương lai tươi sáng hơn. Giọt nước mắt của người đàn bà ẩn chứa cảnh éo le, ngang trái của gia đình, nỗi đau đớn tủi nhục cho thân phận và lo lắng cho con khi tương lai chỉ là sự bế tắc.

+ Kim Lân sử dụng hình thức diễn đạt giản dị, trực tiếp; Nguyễn Minh Châu lựa chọn cách ví von.

  • Lí giải sự giống và khác:

+ Giống nhau: xuất phát từ lòng nhân đạo của hai nhà văn để nói đến nỗi đau và những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ từ xưa đến nay.

+ Khác nhau: Kim Lân viết tác phẩm sau CMT8 nên có cái nhìn lạc quan về tương lai con người; Nguyễn Minh Châu nhìn vào hiện tại với những vấn đề muôn thuở của cuộc sống nên khó tìm ra giải pháp.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →