Đề Văn 7: Kể lại một câu chuyện cảm động em gặp ở trường
Mở bài
Trong đời tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc gặp gỡ nhưng không lần nào xúc động bằng cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò cũ ngay để lớp học của tôi trong giờ sinh hoạt. Sau buổi học ấy tâm trạng tôi đầy cảm xúc vừa về đến nhà tôi chưa kịp vào bàn ăn tôi đã vội kể cho ba mẹ nghe câu chuyện và ba mẹ cũng rất hào hứng lắng nghe.
Thân bài
Như thường lệ hôm đó là ngày thứ 7 tiết cuối cùng là tiết sinh hoạt. Sau khi lớp trưởng tổng kết kết quả thi đua tuần rồi và phân công công việc cho từng sắp tới thì thầy hiệu trưởng vào lớp và thông báo với mọi người sẽ có một vị khách đến thăm thầy giáo chủ nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu ồn ào và bàn tán xôn xao. Vị khách bước vào lớp mang theo một bó hoa thật đẹp. Vị khách là một người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Mái tóc đã bắt đầu điểm hoa râm. Cô ấy mặc một chiếc áo dài màu xanh thật đẹp, vừa nhìn thấy bóng dáng thầy cô định chạy thật nhanh đến nhưng bỗng đứng lại và cúi đầu: “ Em chào Thầy ạ!”
Thầy giáo già đeo lại đôi mắt kính để nhìn rõ khuôn mặt của vị khách. Thầy chưa kịp nhận ra thì cô ấy đã nói tiếp: “ Em là Thanh đây cô học trò 40 năm về trước của thầy, con bé Thanh cá biệt mà thầy đã từng dạy dỗ thầy có nhớ không?” Thầy giáo của chúng tôi đứng dậy chân run run đi về phía người học trò:
- Làm sao để quên được chứ. Cô học trò đã nhiều lần trốn học suýt nữa thì bị đuổi khỏi trường.
Cô ấy xúc động rơi nước mắt và nắm chặt tay thầy.
- Thầy ơi thầy có khỏe không? Sau bao nhiêu năm em mới tìm được thầy vì thầy đã chuyển công tác. Gia đình thầy giờ ở đâu? Các con thầy chắc hẳn đã khôn lớn hết rồi.
Tôi nhìn thấy trong đôi mắt của người phụ nữ ấy đầy xúc động. Phải rồi tình thầy trò bao nhiêu năm gặp gỡ chắc hẳn nhiều điều muốn nói. Cả lớp chúng tôi tự dưng im lặng vì ai cũng muốn lắng nghe câu chuyện. Không để chúng tôi tò mò quá lâu, thầy quay xuống và giới thiệu với cả lớp:
– Đây là cô Thanh lớp học trò đầu tiên khi thầy mới bước chân vào nghề giáo.
Thầy kể cho chúng tôi nghe về ngày ấy khi trường lớp còn xây bằng cây lá và học sinh cũng rất ít ỏi. Thầy trò phải vất vả thế nào để đến trường nhưng vẫn cố gắng học tốt. thầy còn kể chúng tôi nghe cô Thanh rất chịu khó và thông minh. Cô Thanh dìu thầy giáo ngồi xuống ghế rồi bước tới gần chỗ chúng tôi và tâm sự rất nhiều. Tôi còn nhớ từng lời cô ấy nói. Ngày ấy, cô là học sinh cá biệt của trường. cô thường hay đánh nhau nên đã nhiều lần bị đuổi học. Cũng nhờ thầy đứng ra năn nỉ nhà trường cho cô cơ hội nên cô ấy mới có thể được tiếp tục học. Ngày ấy, cô là học sinh kém nhất lớp nên ngoài giờ dạy thầy còn cố gắng lặn lội mấy cây số đến nhà cô học trò nghèo giúp cô theo kịp các bạn. Những lúc không có tiền để đóng học phí thầy còn giúp cho cô ấy. Sau khi hiểu được tấm lòng người thầy cô tự hứa với mình sẽ cố gắng để không phụ lòng mong đợi của thầy. Và sau đó cô đã giành nhiều học bổng và còn vào học một trường đại học danh tiếng. Giờ đây cô đã là một cô hiệu trưởng của một trường đại học. Khi nghe câu, chuyện chúng tôi ồ lên một tiếng ngạc nhiên, ai nấy cũng xúc động vì tình thầy trò sâu nặng. Và giờ đây dù sau 40 năm người học trò vẫn nhớ công ơn của người thầy giáo. Tôi ngước lên nhìn thấy tóc thầy bạc trắng, đây không phải lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Nhưng sao hôm nay tôi bỗng thấy thương thầy vô hạn. Hơn 40 năm cống hiến cho nghề bao nhiêu thế hệ học trò đã cập bến tương lai mà thấy tôi vẫn giản dị và hết lòng vì học trò như thế. Tôi nghe có một vài bạn nữ khóc thúc thích vì có lẽ các bạn đã nhận ra người thầy hàng ngày nghiêm khắc với chúng tôi lại là một người đáng kính như thế. Thật đáng tiếc khi thầy sắp về hưu và chúng tôi chẳng còn được học thầy nữa. Trống đánh tan trường, chúng tôi ra về, cô Thanh vẫn còn ở lại. Có lẽ câu chuyện về tình thầy trò sẽ còn tiếp tục.
Kết bài
Trên đường về, lòng tôi rộn lên một cảm xúc khó tả, vừa luyến tiếc lại vừa hi vọng. Câu chuyện của cô Thanh và thầy tôi cho chúng tôi một bài học đáng giá về tình thầy trò và đạo lý làm người. Ba mẹ tôi khi nghe câu chuyện cũng xúc động và dặn dò tôi phải thật chăm ngoan và luôn biết ơn những người đã dạy dỗ mình. Mai này khi lớn khôn tôi sẽ trở thành một cô học trò cũ và cũng trở về thăm trường thăm lớp ôn lại những kỷ niệm xưa.