Bộ đề ôn tập kì thi TNTHPT năm 2018
Đề số 1:
- Phần đọc hiểu (3đ)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thật sự.
- Chiếc xe này của bạn đấy à! Cậu bé hỏi
- Anh mình đã tặng dịp sinh nhật của mình đấy, tôi trả lời, không giấu vẻ tự hào mãn nguyện.
- ồ! Ước gì tôi…cậu bé ngập ngừng.
dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu bé ao ước có một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.
- Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:
- Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.
(Hạt giống tâm hồn)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên
Câu 2: Cậu bé ước trở thành người anh thế nào?
Câu 3: Theo anh chị hiểu thế nào về câu: “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm”
Câu 4: Văn bản trên gửi đến chúng ta thông điệp gì?
Phần II: Tập làm văn (7đ)
Câu 1: (2đ)
Hãy viết một bài văn ngắn (200 từ) trình bài suy nghĩ của anh chị về ý kiến: “Đừng trong đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn”.
Câu 2: (5đ)
Truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân viết về nạn đói, nhưng diễn biến cốt truyện, tác giả lại đặc biệt miêu tả hai bữa ăn – bữa ăn mà Tràng đãi Thị ở chợ tỉnh và bữa ăn cả nhà cụ Tứ sau hôm thị về làm vợ Tràng. Cảm nhận của anh chị về ý nghĩa, giá trị của hai bữa ăn.
Gợi ý đáp án đề 1:
Phần I:
Câu 1: Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm
Câu 2: Có thể trả lời một trong những nội dung:
- Cậu bé ước mình trở thành người anh tốt, yêu thương, che chở và mang lại niềm vui cho em.
- Cậu bé ước mình trở thành người có ích, vị tha, nhân hậu biết bù đắp nhưng mất mát, đau thương của người khác bằng tình yêu chân thành.
Câu 3: Có thể trả lời một trong những nội dung sau:
- Câu văn là sự trăn trở và lòng quyết tâm của cậu bé muốn trở thành một người anh tốt.
- Câu văn cho thấy sự quyết tâm đến cao độ của cậu bé để cậu bé có thể biến ước mơ thành sự thật vào một ngày không xa.
- Ước muốn tặng xe lăn cho người em tật nguyền được cậu bé nung nấu và nó trở thành động lực lớn để cậu quyết tâm thực hiện.
Câu 4: Có thể trả lời bằng nhiều cách nhưng phải đảm bảo nội dụng: Câu chuyện là bài học về cách nhìn đời và cách sống. Đừng đợi người khác mang hạnh phúc đến cho mình, là một người bao dung, bạn hãy sống sao để đem hạnh phúc đến cho người khác. Cuộc đời còn nhiều người bất hạnh nên chúng ta phải biết yêu thương, san sẻ, cảm thông và làm điều gì đó giúp ích cho họ.
Phần II: Tập làm văn
Câu 1: Đầy đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài với chủ đề cần trình bày: Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.
- Giải thích:
+ Hạnh phúc là trạng thái vui sướng, mãn nguyện, hài lòng khi đạt được nhu cầu về vật chất, tinh thần hoặc đạt được ước mơ, nguyện vọng trong lý tưởng sống ở một thời điểm nào đó.
+ Phép màu: là cách thức, phương tiện bất ngờ do thế lực siêu nhiên nào đó giúp con người.
- Câu nói mang ý nghĩa: hạnh phúc không phải là món quà mà người khác ban tặng, mà chính được tạo dựng từ chúng ta.
- Phân tích: Cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng như chúng ta mong chờ, nó là một bản hợp ca có cả những âm thanh vui tươi và cả những nỗi buồn sâu kín.
+ Là một người sống chính đáng, ai cũng hi vọng mình thành công, đạt được ước mơ để sống cống hiến cho cuộc đời. Khi đạt được ước nguyện ấy chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và có thêm sức mạnh tinh thần.
+ Tuy nhiên thất bại là không thể tránh khỏi, lúc ấy bạn làm gì nếu không phải là đứng lên bước tiếp? Đừng trông chờ vào bất cứ ai sẽ vực dậy mình, sẽ mang cơ hội đến và thành công đợi sẵn. Mọi thứ có được là do chính mình, cuộc đời là của chính bạn nên hãy cố gắng, nỗ lực, nhẫn nại để vượt qua hoàn cảnh.
+ Sống hòa nhập, cho đi để nhận lại những cơ hội tạo dựng hạnh phúc cho bản thân. Lấy ví dụ về những tấm gương Nick Vujiccic…
- Bài học, liên hệ bản thân:
+ Đừng lệ thuộc vào bất cứ ai đó hoặc bất kì hoàn cảnh nào, niềm vui hay nỗi buồn do chúng ta lựa chọn.
+ Tích cực tham gia vào các hoạt động của xã hội, tập thể để tạo cho mình niềm vui.
Câu 2: Nội dung cần đạt:
Mở bài:
- Khái quát tác giả, tác phẩm, nêu yêu cầu của đề
- Cảm nhận chung về hai bữa ăn trong tác phẩm
Thân bài:
- Bữa ăn giữa chợ tỉnh, Tràng đãi thị:
+ Lí do: Tràng đãi Thị vì một lời hứa bông đùa, trêu ghẹo lúc đẩy xe thóc vào kho.
+ Thị ăn có một mình, ăn một lúc bốn bát bánh đúc “Thị cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc….”
- Ý nghĩa, giá trị:
+ Nhờ bữa ăn này mà Tràng có được vợ, Thị có nơi nương tựa => ngợi ca tình nghĩa con người trong lúc khó khăn, đói nghèo, cận kề cái chết họ vẫn tìm đến nhau, nương tựa và tin tưởng vào nhau.
+ Phản ánh thực tại của xã hội VN trước năm 1945, con người đang gánh chịu nạn đói khủng khiếp khiến thân phận họ trở nên đáng thương, nhất là người phụ nữ.
+ Tác giả đặt niềm tin vào tình người vẫn tồn tại dù trong nghịch cảnh đồng thời cũng thể hiện lòng thương cảm trước số phận con người.
+ Bữa ăn còn là khát vọng sống, khát vọng được yêu thương của con người.
- Bữa cơm ngày đói sáng hôm sau ở nhà Tràng:
- + Bữa ăn chào đón nàng dâu mới của cả gia đình Tràng
- + Bữa ăn ngày đói thật thảm hại “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”. Tuy vậy, thái độ mọi người đều ăn rất ngon lành.
- + Trong bữa ăn, bà cụ Tứ toàn nói những chuyện vui, dự tính sau này
- + Chi tiết bất ngờ: nồi chè khoán nấu bằng cám nhưng bà cụ cho là “ngon đáo để”
- => Ý nghĩa, giá trị:
- + Thân phận khốn cùng của người lao động trong nạn đói 1945
- + Tình nghĩa gắn bó, sự đồng cảm giữa họ với nhau để vượt qua khó khăn
- + Tình yêu thương của người mẹ nghèo dành cho con mình
- + tinh thần lạc quan của con người nghĩ đến sự sống giữa cái chết đói bao quanh.
- Đánh giá chung:
- + Hai bữa ăn là chi tiết đặc sắc giàu hình tượng nghệ thuật của Kim Lân. Thông qua hai chi tiết này mà giá trị nội dung, giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện
- + Thực tế của hai bữa ăn là sự túng nghèo đến đáng thương nhưng thiên truyện lại ngời lên tình người ấm áp, sự đủ đầy về tinh thần lạc quan, hướng sáng.
- Kết bài: Cả hai bữa ăn cùng với những chi tiết nghệ thuật khác của Vợ nhặt vừa phản ánh cái đói cũng là tấm lòng của nhà văn dành cho kiếp người lao động.