Đề số 6 – Ôn tập văn tốt nghiệp THPT 2018 – Có đáp án

Bộ đề ôn tập kì thi TNTHPT năm 2018

 Đề số 6

  1. Phần đọc hiểu (3đ)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.”

(Tuoitre.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh?

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”.

Câu 4. Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào?

PHẦN II – LÀM VĂN

Câu 1. (Nghị luận xã hội)

Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2: Cảm nhận về vẻ đẹp của hai đoàn quân ra trận trong Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu)

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

 

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

   Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

(“Tây Tiến”- Quang Dũng)

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

(“Việt Bắc” – Tố Hữu)

Gợi ý làm bài:

Phần I:

Câu 1: Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2: Người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

Câu 3: Tác giả cho rằng bản lĩnh vừa phục vụ cho mục đích cá nhân vừa được sự hài lòng từ những người xung quanh vì khi cá nhân có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân mà không quan tâm đến người xung quanh, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến người khác thì sẽ không ai thừa nhận họ là người bản lĩnh.

Câu 4: Việc làm rèn luyện cho bản lĩnh:

  • Trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng sống
  • Dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm
  • Chính kiến riêng, đương đầu với mọi thử thách
  • Có ý chí, nghị lực và sự quyết tâm.

Phần II

Câu 1: Vấn đề cần nghị luận: Tuổi trẻ cần phải có bản lĩnh để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách.

  • Giải thích: Bản lĩnh là tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và chính kiến riêng. Người có bản lĩnh sẽ dám đương đầu với mọi khó khăn.
  • Phân tích:

+ Vì sao phải sống bản lĩnh: giúp bản thân tự tin trong cuộc sống từ đó đề ra kế hoạch, mục tiêu cho chính mình và phấn đấu để đạt được.

+ Dám thừa nhận những khiếm khuyết, sai sót và chịu trách nhiệm với công việc mình đã làm, rút ra bài học cho bản thân để tự sửa chữa, khắc phục.

+ Đương đầu với những cám dỗ của xã hội, luôn ý thức được bản thân cần và phải làm gì.

  • Bàn luận, mở rộng:

Là học sinh, bản lĩnh có nghĩa là: kiên quyết không quay cóp, chép bài, nhận điểm đúng với thực lực của mình; dám nói ra những thiếu sót của bạn bè để họ sửa chữa; tự nhận lỗi, kiểm điểm khi mắc sai lầm…

  • Bài học, liên hệ bản thân: bản lĩnh con người phải được rèn luyện từ những thất bại, thử thách. Mỗi người chúng ta cần đứng lên trước những vấp ngã và quyết tâm sửa đổi, khắc phục chính mình.

Câu 2:

Mở bài:

  • Giới thiệu khái quát bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu
  • Đoạn thơ khắc họa vẻ đẹp hai đoàn quân ra trận

Thân bài:

  • Đoạn thơ Tây Tiến:
  • Nội dung:

+ Hình ảnh đoàn quân hiện ra trong gian khó với những chi tiết bi tráng, hào hùng: không mọc tóc, quân xanh màu lá, biên cương mồ viễn xứ…

+ Trong gian khổ vẫn giữ được nét đẹp của tuổi trẻ: hào hoa, phong nhã, lãng mạn và nhiều ước vọng. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới” – khao khát được lập công. “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” – ước mộng về một hình bóng thân quen quê nhà, nhớ về những kỉ niệm thời học sinh nơi Hà thành => Dù là ước muốn thì người lính vẫn đặt trọng trách với đất nước lên tình cảm riêng.

+ Lý tưởng chiến đấu cao đẹp: Dù cuộc chiến trải qua những khó khăn, nguy hiểm, cận kề với cái chết “ nấm mồ viễn xứ”…nhưng người lính vẫn một lòng vì tổ quốc “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

  • Nghệ thuật:

+ Bút pháp của Qung Dũng mang đậm chất sử thi và khuynh hướng lãng mạn, viết về những người phi thường trong hoàn cảnh phi thường.

+ Sử dụng nhiều biện pháp như đối lập, ẩn dụ, từ láy…

+ Từ mượn Hán Việt mang sắc thái trang trọng: mồ viễn xứ, biên giới, quân…

  • Đoạn thơ bài Việt Bắc
  • Nội dung:

+ Hình ảnh đoàn quân ra trận trong khí thế hào hùng, vừa mang giá trị tả thực vừa có ý nghĩa biểu tượng.

+ Hai câu thơ đầu “những đường Việt Bắc của ta” – mở ra không gian rộng khắp các nẻo đường chiến khu. “Đêm đêm” thời gian của những cuộc hành quân kết hợp từ láy “rầm rập” diễn ra những bước chân làm rung chuyển đất trời, con người hào hùng với kì tích lớn.

+ Hai câu thơ tiếp theo là hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam với sức mạnh hùng hậu “điệp điệp, trùng trùng”. Hình ảnh sáng tạo “ánh sao đầu súng” gợi vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa hiện thực giúp liên tưởng đến những vẻ đẹp của người chiến sĩ.

+ Hai câu thơ cuối đoạn “dân công đỏ đuốc” “bước chân nát đá”- lực lượng chiến đấu đông đảo với sức mạnh kì vĩ. Tác giả thần thoại hóa sức mạnh con người, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm rung chuyển đất trời, bất chấp mọi nguy hiểm để đi đến chiến thắng vinh quang.

  • Nghệ thuật:

+ Thể thơ lục bát mang hơi thở thời đại vừa lãng mạn vừa hào hùng

+ Nhiều hình ảnh gợi cảm vừa tả thực vừa có chiều sâu liên tưởng

+ Phép điệp, từ láy..diễn tả hào khí mạnh mẽ của quân và dân ta.

  • Nét tương đồng và khác biệt:
  • Tương đồng: Viết trong thời kì chống Pháp ca ngợi vẻ đẹp của đoàn quân ra trận với bút pháp mang tính sử thi và khuynh hướng lãng mạn.
  • Khác biệt:

+ Tây Tiến là hình ảnh người lính trong thời kì đầu cuộc chiến còn nhiều khó khăn, gian khổ, hồn thơ Quang Dũng thiên về những cái phi thường.

+ Việt Bắc được viết cuối giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu ca ngợi tình quân dân gắn bó, đoàn kết với bút pháp của nhà thơ chính trị.

5/5 - (1 vote)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →