Văn 12: Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Truyện ngắn Vợ nhặt
Mở bài:
Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân, in trong tập Con chó xấu xí. Tiền thân của truyện là Xóm ngụ cư – viết sau Cách mạng tháng Tám.
Thân bài:
Giá trị hiện thực
- Truyện được viết sau CM tháng Tám nhưng tác giả lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam trước cách mạng, vào những ngày tháng đói khổ người dân phải chịu áp bức của thực dân, tay sai và phát xít Nhật. Khoảng trước năm 1945, khi Pháp đầu hàng Nhật, chúng nhường toàn bộ quyền cai trị cho Nhật, phát xít Nhật đang đối đầu thế chiến thứ hai, chúng bắt nhân dân Việt Nam nhổ hết lúa trồng đay phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Chính vì thế từ một nước nông nghiệp, nông dân miền Bắc lâm vào cảnh thiếu gạo, nạn đói khủng khiếp đã xảy ra. Từ Quảng Trị đến Bắc kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Hiện thực kinh hoàng này còn được nhắc đến trong một số tác phẩm của Tô Hoài, Văn Cao, Nguyên Hồng và Tuyên Ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
- Không chỉ tái hiện bối cảnh xã hội trong những năm tháng đói khổ ấy, Kim Lân còn tập trung vào số phận con người. Thông qua tình huống truyện éo le giữa lúc người ta chết vì đói thì Tràng lại nhặt vợ, Tràng đèo bồng nuôi thêm một miệng ăn, giữa lúc người ta chiến đấu để bám víu vào sự sống thì Tràng tìm hạnh phúc và cũng chỉ hoàn cảnh éo le ấy người ta mới lấy Tràng, Tràng mới có vợ. Hiện thực về cuộc sống và số phận người nông dân hiện lên sống động. Họ mang số phận nghèo khổ lại bị đẩy vào bước đường cùng, tính mạng bị đe dọa, giá trị bị rẻ rúng như cọng rơm, cọng rác có thể nhặt bất cứ đâu. Hiện thực cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám tập trung trong bữa cơm chỉ độc lùm rau chuối thái rối ăn với đĩa muối và hình ảnh nồi chè khoán của bà mẹ nghèo làm người đọc nghẹn ngào. Hiện thực của truyện còn thể hiện ở hình ảnh cuối, những người cùng khổ cùng khao khát để thay đổi số phận. Đó là niềm dự cảm về một tương lai về cách mạng.
- Kim Lân không một câu, một từ nói đến tội ác của thực dân và phát xít, chỉ thông qua khung cảnh làng quê ảm đạm, những căn nhà lụp sụp, những xác người thối, mùi rác rưởi, ẩm mốc, cái nhà liu xiu của Tràng, bữa ăn của gia đình Tràng…cũng đủ tố cáo tội ác của chúng.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm
- Câu chuyện nhặt vợ của Tràng cùng những hình ảnh của một nông thôn nghèo đói, ảm đạm đã khiến cho người đọc không khỏi xót xa và thương cảm. Để làm được điều ấy, chính Kim Lân là người đã truyền cho chúng ta những tình cảm đẹp. Kim Lân phải thật am hiểu, thương yêu, trân trọng những người nông dân mới tìm ra được nét hiền hậu, đảm đang trong cái bề ngoài đanh đá của cô vợ nhặt, mới thấu được tấm lòng bà cụ Tứ, người mẹ nghèo tội nghiệp ấy và mới để Tràng tìm được vợ, thay đổi cuộc đời mình.
- Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện rõ nhất ở tình người trong những nhân vật. Giữa cái đói cái chết Tràng vẫn có thể hào phóng mời cô gái mới gặp hai lần ăn bánh đúc rồi chấp nhận chuyện cô ấy về nhà mình nghĩa là chấp nhận nuôi thêm một miệng ăn. Bà cụ Tứ chấp nhận cô con dâu bất đắc dĩ dù biết có khổ thế này người ta mới lấy con mình. Tấm lòng người mẹ chỉ biết lo cho con nhưng lại bất lực vì nghèo khó. Tất cả họ đều bị đẩy đến bước đường cùng, đến bờ vực của sự sống và cái chết, thế mà họ vẫn sẵn lòng cưu mang nhau, giúp đỡ nhau, san sẻ nhau từng bát cháo để sống qua ngày. Hiện thực càng đen tối bao nhiêu thì tấm lòng của người nông dân càng sáng ngời bấy nhiêu.
- Không chỉ nói đến tình người, Kim Lân còn hướng đến ánh sáng của tương lai. Tất cả những người nông dân dù trong hoàn cảnh nào họ đều cần hạnh phúc. Ước mơ về hạnh phúc gia đình và tương lai tốt đẹp là mơ ước chính đáng của con người. Ánh sáng niềm tin ấy le lói trong những lời dạy bảo của cụ Tứ “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” rồi bà dự định có tiền nuôi thêm gà,vịt. Cảnh mẹ chồng nàng dâu sửa soạn, quét dọn lại sân nhà để đón những điều mới mẻ thể hiện rõ điều đó.
Kết bài:
Vợ nhặt là tác phẩm thành công của Kim Lân. Qua tình huống truyện độc đáo, nhà văn đã làm nổi bật giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của tác phẩm. Chúng ta không chỉ thấy một Kim Lân tài hoa mà còn thấy một Kim Lân có tấm lòng tha thiết, sâu nặng với người nông dân nghèo khổ.