Nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Vợ Nhặt – Kim Lân

Văn 12: Nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Vợ Nhặt – Kim Lân

Nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Vợ nhặt thể hiện qua ba phương diện: sáng tạo tình huống truyện độc đáo, lối xây dựng nhân vật chân thật, sắc sảo và nghệ thuật trần thuật tự nhiên.

  • Tình huống truyện nằm ngay nhan đề của tác phẩm “Vợ nhặt”: người nhặt vợ là một anh chàng tên Tràng xấu xí, nghèo khó lại là dân ngụ cư, anh chàng này có cái tính dở hơi nên cũng chưa lấy được vợ. Thế mà chỉ vài ba câu trêu đùa và bốn bát bánh đúc, Tràng đã có được vợ. Chuyện lạ này khiến người trong xóm ngụ cư ngạc nhiên. Bà cụ Tứ cũng ngạc nhiên và ngay cả bản thân anh ta cũng thế. Giữa cái lúc người ta đang chết đói mà Tràng lại đèo bồng. Nhưng cũng chỉ những lúc cơ khổ thế này người ta mới lấy Tràng mà Tràng mới có được vợ. Tất cả tạo thành một tình huống thật éo le, vừa mừng vừa tủi.
  • Tình huống truyện làm nổi bật hai ý nghĩa của truyện:

+ Trong bất cứ tình huống nào, dù cận kề với cái chết, con người vẫn cần được yêu thương, chia sẻ và cũng chỉ có tình thương mới giúp người ta bám víu nhau để tiếp tục sống.

+ Tố cáo tội ác của bọn thực dân, tay sai và Nhật đã đẩy nhân dân vào cảnh khốn cùng, lầm than khiến từ Quảng Trị đến Bắc kì hơn hai triệu người chết đói. Không chỉ thế cái đói, cái khổ còn khiến giá trị con người ta chỉ bằng cọng rơm, rác có thể nhặt bất cứ lúc nào.

  • Kim Lân xây dựng nhân vật với từng dụng ý nghệ thuật riêng, mỗi nhân vật ông thổi vào một linh hồn với tâm lý, tính cách riêng như vừa bước từ cuộc đời vào trang sách.

+ Vợ Tràng: cô gái này mang tâm lý của người đói khát đến cùng cực. Cô ấy đã đánh mất những nét đẹp dịu dàng, hiền thục của người phụ nữ. Vì thế ở đoạn đầu khi cô gái này xuất hiện nhà văn miệu tả cô trở trẽn, đanh đá, táo bạo vì mấy câu trêu ghẹo và bốn bát bánh đúc mà theo Tràng về nhà. Nhưng sau khi trở thành vợ Tràng, có được mái ấm, cô nàng lại trở về hình ảnh người phụ nữ gia đình biết vun vén, lo toan.

+ Tràng: tâm lý của Tràng là những chuỗi diễn biến khá phức tạp. Vốn dĩ anh chàng này không thể cưới được vợ vậy mà tự dưng lại có vợ vì thế tâm trạng anh ta bàng hoàng, vui mừng, ngạc nhiên. Có lúc tự hào, vui sướng nhưng rồi lại bất chợt ngượng ngùng, lo lắng. Nếu trước kia Tràng là người sống vô tâm, hời hợt thì khi có vợ Tràng tỏ ra nghiêm túc, sống có trách nhiệm hơn.

Bà cụ Tứ: Ban đầu khi Tràng đem một cô gái lạ về, bà cụ ngạc nhiên, tò mò nhưng khi đã biết là vợ của con trai lòng bà ngổn ngang tâm sự: vừa lo lắng, tủi cực, xót thương vừa mừng vừa lo cho con mình. Hơn ai hết bà là người trải đời nên bà hiểu cái cớ sự đang xảy ra và thấm thía nỗi khổ tâm của người mẹ nghèo. Tình thương con đã giúp bà cố che đậy nỗi đau ấy mà tiếp thêm động lực cho các con.

Lối kể chuyện tự nhiên: tác giả cho Tràng xuất hiện đầu câu truyện và đưa đẩy đến tình huống truyện thật khéo léo. Qua dòng hồi tưởng của Tràng, tác giả thuật lại đầu đuôi câu truyện anh ta nhặt vợ thế nào. Sau đó là mạch truyện được kể theo thời gian. Kim Lân còn rất khéo thì chọn cách trần thuật thông qua những đoạn đối thoại của các nhân vật: Tràng và vợ Tràng, Tràng – vợ Tràng và bà cụ Tứ…

3/5 - (2 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →