Thư UPU 2019 viết về người hùng của em

Bài 1: Thư UPU 2019 viết về người hùng của em (Nick Vujicic)

Cần Thơ ngày ….tháng…năm…
Hà Phương mến!
Sáng nay mình thức dậy trong khí trời se lạnh của những ngày cuối đông. Mình cảm thấy nhớ bạn và những nhớ lại những ngày mình còn ở Hà Nội, chúng ta đã nắm tay nhau đi dạo quanh hồ Gươm và nhặt những chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Hà Nội mùa này chắc lạnh lắm phải không Phương? Dù vậy, mình vẫn biết bạn sẽ luôn cười và vẫn tự tin như ngày nào, Phương của mình vẫn giữ vị trí nhất lớp môn toán đúng không?
Phương à! Chúng ta đã từng ngưỡng mộ trước những người tài giỏi, những ngôi sao tỏa sáng trên màn ảnh hoặc trên sân bóng. Chúng ta đã từng cuối đầu trước những tấm gương vượt lên trên nghịch cảnh để sống phi thường. Trước những điều tuyệt vời vẽ ra trước mắt, một số ít dám mơ ước, dám nổ lực để theo đuổi ước mơ. Nhưng một số ít chúng ta cảm thấy mình thật tệ, chúng ta không đủ thông minh, không đủ năng lực để làm được những gì chúng ta hi vọng. Vô hình chung, chúng ta sống theo những gì mà mọi người nhìn nhận, mọi sự sắp đặt của tạo hóa và tin rằng nó chính là số phận. Mình trước đây chính là số ít người tin vào số phận cho đến khi được biết, được nghe và được gặp người hùng Nick Vujicic thì mọi suy nghĩ trong đầu mình đã đổi thay.Mình xin gọi anh là người hùng của lòng mình.
“Khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị, nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu”. Cuộc đời của anh, những gì anh từng trải qua đúng là những điều kì diệu. Nghe qua như một câu chuyện cổ, câu chuyện cổ được kể bằng nước mắt, bằng những vấp ngã và nỗi đau. Dù không có bất cứ phép mầu nào từ bà tiên, ông bụt nhưng sức mạnh mà Nick Vujicic có được lại phi thường hơn bất cứ phép mầu nào. Anh sinh ra với vỏn vẹn thân hình không có tứ chi là hậu quả của hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp. Cũng giống như bất cứ đứa trẻ khiếm khuyết khác, anh lớn lên trong nỗi đau khổ có lúc tuyệt vọng về bản thân mình. Anh bị phân biệt đối xử trong việc không được chấp nhận học trường chính thống ở Victoria. Khi điều luật này thay đổi, Nick trở thành học sinh đầu tiên khuyết tật được học ở trường cũng trở thành tâm điểm cho những lời dè bĩu. Nỗi đau khổ không hề buông tha cho cậu bé Nick vừa lên 8 tuổi khiến cậu có ý định tự tử, 10 tuổi cậu đã cố dìm mình trong bồn tắm. Bằng những nổ lực phi thường, cậu bé ấy đã vượt lên chính mình để tim thấy hi vọng sống dù trải qua nhiều lần vấp ngã. Nick Vujicic dám chấp nhận khiếm khuyết của mình và thôi oán trách số phận. Anh nhận ra rằng “Chúa đã có kế hoạch cho cuộc đời của anh và đó là lý do vì sao anh đã không thể dìm mình xuống bồn tắm”. Nick có thể làm những việc của một người bình thường như viết chữ, sử dụng máy tính, đánh răng, tắm, nghe điện thoại…và hơn thế nữa anh quyết thành người truyền cảm hứng cho những người kém may mắn trên thế giới.
Ở Nick, mình nhận ra rằng khi suy nghĩ thay đổi thì thế giới sẽ thay đổi. Từ một người khiếm khuyết, anh đem trái tim nguyên vẹn của mình san sẻ cho những người khác. Từ ngày còn học trung học, Nick đã tham gia các tổ chức tình nguyện hướng đến lợi ích của những người tàn tật. 17 tuổi anh sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Life without Limbs (Cuộc sống không tay chân). Nick tốt nghiệp đại học Griffith năm 21 tuổi với tấm bằng kép ngành kế toán và lập kế hoạch tài chính. Anh đã mang niềm tin của mình để gieo hạt giống sức mạnh vào tâm hồn của hơn 3 triệu người tại 24 quốc gia trên 5 châu lục. Nơi anh diễn thuyết, có biết bao người đã khóc vì xúc động trong giây phút tìm lại chính mình.
Nghị lực phi thường, niềm tin bất diệt và ý chí kiên định là những bài học mình được truyền dạy từ người hùng Nick Vujicic. Tuy nhiên điều mà tôi thích thú nhất ở anh chính là trái tim nồng hậu và tha thiết với cuộc đời. Trái tim ấy chứa đựng một tình yêu cháy bỏng. Cái giây phút quyết định sự sống của mình, Nick đã nghĩ đến cha mẹ, những người thương yêu mình mà tiếp tục sống. Anh đã may mắn sống trong tình yêu vô bờ của cha mẹ để thấy đời mình còn nhiều ý nghĩa. Trái tim được sinh ra và lớn lên bằng tình yêu ấy như một ngọn lửa bất diệt thổi bùng sự đồng cảm, san sẻ đến những người cùng cảnh ngộ. Trong thế giới của tình yêu, không có người khuyết tật, không có ranh giới của màu da, dân tộc mà chỉ có sự lan tỏa của hơi ấm tình thân. Chân lí ấy thật nhân văn và hòa hợp với đạo lí “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Bà mình từng dạy tình yêu là một điều rất kì diệu và phi thường bởi vì khi chúng ta cho đi chúng ta không hề mất mà chúng ta còn trở nên giàu có, giàu về tinh thần.
“khuyết tật lớn nhất của con người là quyết định đầu hàng số phận”, chúng ta không phải là người kém may mắn thế tại sao lại tự đặt mình vào ranh giới của số phận và ranh giới của chính những ích kỉ, yếu hèn, toan tính của bản thân? Nếu chúng ta có một phần kém may mắn hơn những người xung quanh, thì bạn ơi hãy chấp nhận những gì mình đang có và mở lòng ra để mơ ước, điều quan trọng là dám thực hiện những ước mơ.
Cảm ơn Phương đã lắng nghe nhưng gì mình chia sẻ những gì mình tâm sự. Hơn ai hết, mình hi vọng bạn sẽ gặt hái được nhiều hoa điểm 10 trong học kì này và luôn nở nụ cười xinh đẹp mỗi ngày. Cuối tuần hãy viết thư cho mình nhé, mình mong đợi một lá thư dài với chia sẻ của bạn về người hùng trong lòng Phương.

Bài 2: Thư UPU 2019 viết về người hùng của tôi (về người mẹ)

TP Hồ Chí Minh, ngày….tháng…năm
Nhân thân thương!
Hôm qua, khi nhận được chủ đề viết về người hùng của em, tôi đã hết sức bối rối và cả ngày hôm nay tôi đã không thôi suy nghĩ về người hùng của chính mình. Chắc bạn cũng thế phải không Nhân? Bạn là người sống nội tâm và hay suy tư, chính vì thế mình đã không ngần ngại tâm sự với bạn về những suy nghĩ của riêng mình.
Thông thường, nói đến những người hùng chúng ta thường chỉ nghĩ đến những vị tướng, các đấng sáng lập, những người mà tên gọi họ là một kì tích, và đương nhiên đa phần họ là nam giới. Vậy thì thật là bất công cho những người đã cống hiến và hi sinh thầm lặng, với tôi không ai khác họ chính là phụ nữ, họ xứng đáng là những người hùng thầm lặng. Nếu ai hỏi trong lòng tôi ai là người hùng? Tôi sẽ tự hào và dõng dạc rằng người ấy chính là mẹ tôi.
Mẹ tôi không khác gì những người phụ nữ đã lập gia đình trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam. Bạn có thể bắt gặp mẹ tôi đang tất bật trong một khu chợ sớm, trên con đường giàu nắng và gió bụi của thành phố hay trong một công sở với mớ hồ sơ chất cao hơn tầm mắt. Nếu chỉ trò chuyện với mẹ tôi vài câu hoặc gặp gỡ vài lần thì bạn chẳng nhận ở bà ấy điều gì đặc biệt. Hãy cùng mẹ tôi trải qua một ngày trong bất cứ ngày nào của tuần, của tháng, của năm sẽ hiểu được vì sao tôi gọi bà ấy là người hùng. 5 giờ sáng, mẹ tôi bật dậy như một thói quen từ ngày mẹ lập gia đình và có chị em tôi. Mẹ làm việc nhà, rồi chạy ra chợ mua thức ăn để nấu đồ ăn sáng cho cả gia đình, sơ chế thực phẩm cho bữa trưa. 6 giờ 15, mẹ gọi ba và tôi dậy để ăn sáng, trong lúc đó, mẹ vệ sinh cá nhân cho em tôi rồi đúc em ấy ăn sáng. Mẹ ăn vội bát cháo rồi chuẩn bị quần áo cho ba đi làm, cho em tôi đến trường. Ngày nào mẹ cũng đưa tôi đi học rồi mới chạy đến cơ quan. Trưa mẹ đón tôi về rồi nấu nướng, ăn cơm xong mẹ lại dọn dẹp nhà, rửa bát,khi mọi việc kết thúc cũng là lúc mẹ phải chuẩn bị đi làm buổi chiều. Tối mẹ về nhà thì trời đã nhá nhem, chưa kịp thay quần áo mẹ đã xuống bếp chuẩn bị buổi tối. 7h30 tôi ngồi vào bàn học, mẹ tôi bên cạnh vừa chỉ bài cho tôi vừa ủi quần áo để xếp vào tủ. 9h, mẹ ru cho em tôi ngủ, con bé còn nhỏ lắm nên nó đâu hiểu nỗi vất vả của mẹ, nó cứ khóc nhè đòi mẹ bế. Khi em tôi ngủ, mẹ chuẩn bị nơi ngủ cho tôi, nhìn cái dáng mẹ nhỏ bé đấm lưng thùm thụp, đôi mắt mẹ thì trũng sâu thâm quầng bởi thiếu ngủ triền miên khiến khóe mắt tôi cũng đỏ hoe. 10h đêm,mẹ vẫn chưa thể ngủ vì giáo án còn nhiều, bài thi của học trò chưa chấm kịp. Có những lần tôi giả vờ ngủ để đợi mẹ vào phòng nhưng chẳng bao giờ tôi thức cho đến khi mẹ đi ngủ, chắc có lẽ những ngôi sao trên trời cũng chẳng thức bằng mẹ tôi.
Đấy là chưa kể những ngày chị em tôi bệnh,mẹ thương em bế em cả đêm không thể đặt em xuống vì mỗi lần như thế nó sẽ khóc. Mẹ túc trực bên giường của tôi, tay mẹ sờ lên trán tôi, mẹ đút tôi từng muỗng cháo. Những ngày như thế, mẹ tôi chẳng khác gì một siêu nhân không biết nghỉ ngơi. Chẳng có đứa trẻ nào lại không thích khi nhà mình có đám tiệc hay lễ, tết, tôi thì khác, tôi sợ những ngày ấy vì tôi biết rằng mẹ tôi lại phải gồng mình lên làm tất cả. Trước tết, mẹ chuẩn bị chu đáo quà cáp về cho ông bà nội, ngoại, cho cả ba và chị em tôi. Còn mẹ, mẹ quên mất phần mình, nếu có mua quần áo mẹ chỉ dám mua những bộ áo rẻ tiền cho mình còn người khác thì mẹ mua đồ chất lượng mà theo mẹ là “cho coi được”. Người hùng của tôi không được lòng tất cả những người bên nhà nội, điều đó không phải vì mẹ tôi không đủ tốt mà vì họ quá nhỏ nhen, hay nói xấu, đặt điều và đòi hỏi. Những giọt nước mắt của mẹ lau vội vì sợ ba nhìn thấy, mẹ vẫn cười xòa mặc cho họ có cố tình nói những điều không hay. Mẹ tôi không phải là mẫu người quá hiền lành, nhu nhược nhưng vì mẹ yêu gia đình của mình, mẹ không muốn bất cứ lí do gì không xứng đáng ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng tôi.
Mẹ tôi là cô giáo dạy văn những chưa bao giờ dùng lời ngon, tiềng ngọt để lấy lòng người khác. Mẹ chỉ nói những điều tự đáy lòng, mẹ đối đãi với mọi người chân thành, tình cảm. Mẹ không dạy chúng tôi cách sống bằng lí lẽ suông mà bằng những việc làm của mẹ,bằng cách mẹ cho đi. Người hùng của riêng tôi không có phép mầu và cũng chẳng tạo nên những kì tích vĩ đại nhưng tình yêu mẹ dành cho chúng tôi là một phép mầu thật sự. Nó giúp tôi đứng vững giữa cuộc đời, giúp tôi mơ ước và nâng đôi cánh ước mơ bằng việc cố gắng học tốt mỗi ngày. Nhân này, nếu bạn có một người hùng như thế thì hãy cảm ơn tạo hóa đã để họ đến bên chúng ta và kính yêu họ thật nhiều bạn nhé!

4.7/5 - (4 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply