[Văn 10] Sáng tác truyện ngắn mang tính chất giáo dục thế hệ trẻ hiện nay
Mạng xã hội hiện nay
Bài làm
Con nhỏ học lớp 10 một ngôi trường khá danh tiếng trên thị trấn. Ba con nhỏ làm bảo vệ cho một cửa hiệu, mẹ con nhỏ bỏ mỗi trái cây ngoài chợ. Cuối năm rồi con nhỏ được học sinh giỏi nên ba mẹ nó vét hết tiền tiết kiệm mua cho con gái chiếc điện thoại thông minh như lời đã hứa. Con nhỏ vui mừng hớn hở và không quên đăng dòng trạng thái đầu tiên trên mạng xã hội “Con cảm ơn ba mẹ, con yêu ba mẹ rất nhiều”. Bạn bè con nhỏ có đứa bình luận, đứa vô like mà chẳng cần đọc hết. Chỉ có ba mẹ con nhỏ là không hay biết gì vì ba mẹ thì làm gì có điện thoại xịn để face với book.
Từ khi có chiếc điện thoại con nhỏ mải miết với hàng trăm bạn bè có người biết mặt có người chưa gặp một lần. Chỉ cần con nhỏ đăng trạng thái buồn rầu hay lo lắng gì đấy là có hàng chục đứa nhảy vào thăm hỏi. Con nhỏ nghĩ mình được yêu thương là thế được bạn bè quan tâm là thế. Ngoài giờ đi học, con nhỏ cứ ôm lấy điện thoại rồi cười vu vơ, có khi lại nhăn nhó tỏ vẻ không vui có khi như bức xúc một điều gì đó. Mẹ nhỏ bận rộn với công việc chở hàng vất vả, mẹ nhờ nhỏ:
- Con trông hộ nhà giùm mẹ, nồi cơm mẹ nấu rồi, con vào luộc ít trừng rồi xào rau lát mẹ về ăn.
Con nhỏ tay cầm điện thoại, mắt dán vào màn hình rồi vâng vâng, dạ dạ. Mẹ về, trứng vẫn chưa luộc, rau còn trong túi. Mẹ lắc đầu buồn bã. Ấy vậy mà hôm rồi, nhỏ xung phong làm đầu bếp cho lớp liên hoan, còn chụp cả nồi cháo để đăng lên face với dòng trạng thái “người con gái đảm đang”.
Một lần ba bệnh phải xin nghỉ phép để điều trị, ba nhờ nhỏ ra hiệu thuốc mua giúp vài liều. Nhỏ lắc đầu từ chối với lý do bận học bài mai thi. Ba đau đầu nhưng vẫn cố chạy ra ngoài mua vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con. Về nhà đợi lúc ba uống thuốc, nhỏ chụp ảnh rồi đăng lên face kèm dòng tâm trạng “Ba bệnh, thương ba nhiều, mong ba mau hết”. Dòng trạng thái vừa đăng đã có vài người bình luận nhỏ có hiếu, đảm đang, ngoan hiền. Nhỏ đọc mà cười thích thú, có lẽ có một người sẽ chẳng vui nếu đọc được những lời ấy, người đó là ba.
Thế giới rộng lớn của nhỏ mở ra chỉ bằng những cú lướt nhẹ nhàng trên màn hình điện thoại nên chẳng cần phải chào hỏi các cô chú bạn bè của ba mẹ, chẳng cần sang chơi cùng mấy bé nhóc hàng xóm cũng chẳng cần theo mẹ đi ra chợ chở hàng.
Trường của nhỏ có một anh học sinh lớp 11, học giỏi, ga lăng và đẹp trai là tâm điểm chú ý của các nữ sinh lớp nhỏ. Một lần anh ấy đăng hình đi du lịch trên face, nhỏ vào bình luận khen anh vừa phong độ lại vừa đẳng cấp. Chiều hôm ấy, nhỏ đạp xe về nhà thì bị một nhóm xe máy chặn đường. Nhỏ bị lôi vào một hẻm vắng và bị bốn cô gái đánh túi bụi mà không rõ lý do. Nhỏ quằn quại la hét trong đau đớn và nghe tiếng lầm bầm của một cô gái “cho chừa cái tội khen trai, bồ ao ai cho mày khen hả con nhóc”…Nhỏ hiểu ra sự tình thì toàn thân ê ẩm, áo quần rách tả tơi. Nhỏ được một người đàn bà bán vé số đưa về nhà. Ba mẹ nhỏ khóc hết nước mắt khi thấy con gái xảy ra chuyện. Suốt những ngày hôm sau, nhỏ phải nghỉ học để nằm viện. Ba bỏ hết công việc chạy vạy khắp nơi vay tiền cho nhỏ nào xét nghiệm, kiểm tra đủ loại. Ba mẹ sợ nhỏ bị chấn thương. Mẹ thì túc trực suốt bên giường bệnh. Nhỏ đăng dòng trạng thái và chụp kèm hình đang nằm viện. Bạn bè nhỏ vào like nhưng chẳng ai đến thăm nom. Nhỏ nhận ra một điều họ chỉ hỏi vì họ muốn biết chứ không phải họ quan tâm mình. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đấy thì tôi đã không phải ê chề hơn nữa. Ngày xuất viện, các bạn chào đón nhỏ bằng một đường link video trên youtube, nhỏ nhấp vào tò mò rồi bất thần suýt đánh rơi cả điện thoại khi thấy mình trong đó. Con nhỏ đang bị bốn cô gái đánh và xấu hổ nhất là cảnh họ xúm nhau xé quần áo của nhỏ. Nhỏ điếng người khóc không thành tiếng. Video ấy được chia sẻ trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Cuối cùng ba mẹ nhỏ cũng chứng kiến cảnh quay do thằng bé hàng xóm vô tình xem được. Khỏi phải nói ba mẹ sốc đến mức độ nào. Còn nhỏ cũng chẳng dám đến trường vì sợ phải nghe những lời gièm pha từ mọi người. Nhỏ tắt face, xóa hết mọi thứ từ trước đến nay. Cả ngày chỉ ôm gấu và khóc lóc. Bạn bè nhỏ không thấy đứa nào đến hỏi thăm, động viên. Chỉ có ba mẹ là giấu nỗi đâu để vựt dậy con mình. Ba ôm con nhỏ vào lòng thủ thỉ “Ba ở đây, mẹ ở đây, con đừng sợ, rồi mọi chuyện sẽ qua”. Mẹ nhỏ nấu từng bát cháo bồi bổ cho con, mẹ không nói những lời an ủi nhưng mẹ chẳng bao giờ nhắc đến chuyện xảy ra mà chăm sóc nhỏ như những ngày xưa nhỏ bệnh. Mấy người bạn của ba tìm đến nhà những cô gái kia để trình bày rõ sự việc mong phụ huynh quan tâm con mình hơn. Chú công an khu vực thì lên tận nhà trường để yêu cầu kĩ luật hành vi bạo lực trên và gửi yêu cầu bộ thông tin xóa video. Mấy bé hàng xóm nhỏ thỉnh thoảng vẫn chạy qua thăm hỏi và trò chuyện cùng nhỏ.
Nhìn tấm lưng bạc phếch của mẹ, vầng trán lấm tấm mồ hôi của ba và sự vất vả của mọi người xung quanh, nhỏ bừng tỉnh. Bấy lâu nay nhỏ đã sống trong thế giới ảo mà cứ nghĩ mình được quan tâm. Nhỏ đưa mẹ chiếc điện thoại và nói “Mẹ bán chiếc điện thoại này, con chỉ cần điện thoại nghe gọi là được”. Nhỏ trở về với đời thường, nhỉ đi học mặc kệ lời gièm pha của đám bạn thích bàn chuyện người vì nhỏ biết thế giới tươi đẹp của nhỏ chỉ cần có ba mẹ và những người nhỏ gặp hằng ngày.