[Văn 9] Ý kiến của em về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

[Văn 9] Trình bày ý kiến của em về nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương. Qua đó nêu lên thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

BÀI LÀM

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Đó là hai câu thơ mà bất cứ ai đã từng đọc Truyện Kiều đều xót xa bởi nó không chỉ đề cập đến thân phận của Đạm Tiên, Thúy Kiều mà còn là kết luận cho cuộc đời, thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vũ Nương – nhân vật trong Chuyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ cũng phải chịu những bất công, oan trái giữa xã hội phụ quyền.

          Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, là một người phụ nữ tính tình “thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Kết duyên cùng chàng Trương, con nhà hào phóng nhưng vô học và có tính đa nghi.

          Trước tính hay ghen của chồng, Vũ Nương “luôn giữ gìn khuôn phép, không từng lúc nào để vợ chồng phải đến bất hòa”. Tình cảm thủy chung, gắn bó ấy còn được thể hiện trong lời dặn dò đầy tình nghĩa của nàng lúc tiễn chồng đi lính: “chàng đi chuyến này thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yêu là đủ rồi…”. Lời dặn dò ấy khác hẳn với người Chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của Đoàn Thị Điểm:

“Thành liền mong tiến bệ rồng

Thước gươm một bước chẳng dung giặc trời”

Vũ Nương không cầu chức tước, không mong vinh hiển, chỉ mong chồng được bình yên trở về. Vũ Nương hình dung ra và cảm thông với những gian lao khổ ải của chồng khi ở chiến trận: “Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền loa lắng”. Những lời nói ân tìnhcủa nàng dù diễn đạt bằng lối văn biền ngẫu với nhiều hình ảnh ước lệ tượng trưng nhưng vẫn toát lên sự chân thành và tha thiết, khiến mọi người trong buổi tiễn đưa không khỏi xúc động rơi nước mắt.

          Chồng chinh chiến biên cương, Vũ Nương thủy chung chờ đợi, nỗi buồn nhớ kéo dài theo năm tháng, nhưng gác bỏ nỗi nhớ để trọn nghĩa mẹ hiền dâu thảo, một mình vừa nuôi dưỡng con nhỏ, vừa tận tâm trong sóc mẹ chồng những khi đau yếu, “hết sức thuốc thang lễ bái thần phật”, “lấy lời khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ mất, nàng “hết sức thương xót”, “ma chay lễ tế lo liệu như đối với cha mẹ mình”. Phẩm chất tốt đẹp của nàng lại càng được bộc lộ trong hoàn cảnh ấy.

          Thế nhưng, khi chồng trở về, vì lời nói ngây dại của con nhỏ, Trương Sinh nghi ngờ Vũ Nương thất tiết, dù nàng đã hết sức phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết, tô son điểm phấn từng đã vui lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”. Trương Sinh không tin, cho rằng đó là lời biện hộ. Vũ Nương đau đớn, thất vọng khi dành trọn vẹn tâm tư để trọn chữ hiếu với mẹ chồng, trọn vẹn thiên chức dưỡng dục con thơ mà vẫn bị “mắng nhiếc … và đánh đuổi đi”. Không có quyền được tự bảo vệ, ngay cả khi họ hàng, làng xóm bệnh vực và biện bạch cho nàng.

Trước tình cảnh “bình rơi trâm gãy”, “sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió”, nàng thất vọng đến tận cùng quyết định tìm đến đến Hoàng Giang, mượn dòng nước trắng trong như tấm lòng trinh bạch để giãi bày nỗi uất nghẹn trong lòng. Vũ Nương “tắm gọi chay sạch”, rũ bỏ hồng trần, “ra bến Hoàng Giang, ngửa mặt lên trời than thở rồi gieo mình xuống sông mà chết”. Lời than của nàng như lời nguyện cầu xin thần sông chứng giám cho nỗi oan khuất và tấm lòng tiết hạnh của mình.

          Nỗi oan trái đến với Vũ Nương thật bất ngờ và thật cay đắng. Hạnh phúc cứ tưởng đã ở trong tay thì tai họa ập xuống bất ngờ. Niềm vui đoàn viên chẳng được bao lâu thì đã cách biệt người sống kẻ khuất. Do một chuyện không đâu từ lời con trẻ đã kết liễu cuộc đời của người phụ nữ đức hạnh. Thế nhưng tình huống hiểu lầm ấy chỉ là nguyên nhân bên ngoài. Điều sâu xa dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc và tấn bi kịch của người phụ nữ chính là lòng ghen tuông của người chồng. Ngay từ đầu câu chuyện, người đọc đã được gợi mở “Trương sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức” và sự cách biệt về đẳng cấp qua lời nói của Vũ Nương “thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu”.  Dường như câu chuyện đau lòng ấy vượt ra ngoài khuôn khổ của một gia đình, nó buộc ta phải nghĩ đến số phận mỏng manh của con người đặc biệt là người phụ nữ. Chính xã hội phong kiến đề cao quá mức nam quyền và địa vị đã gây ra oan khuất, bất công dẫn đến cái chết uất ức của người phụ nữ đức hạnh.

          Có thể nói những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương được tác giả khắc họa một cách cụ thể, sinh động thông qua từng việc làm, lời nói cụ thể của nàng. Một người xinh đẹp, nết na, hiền thục, đảm đang, tháo vác, hiếu thảo, thủy chung phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Bi kịch của Vũ Nương cho thấy số phận bấp bênh của người phụ nữ, phải gánh chịu nhiều bất công, oan trái trong xã hội chỉ coi trọng nam quyền, dù người phụ nữ ấy có đầy đủ đức hạnh, phẩm giá. Truyện cũng bộc lộ khát vọng hạnh phúc bình dị, đời thời của con người đặc biệt là người phụ nữ. Nhưng khát vọng đó là khát vọng mỏng mảnh, dễ đổ vỡ mà đôi khi, nguyên nhân của nó chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, ngẫu nhiên.

1.5/5 - (2 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply