[Văn 4] Kể về ông bà và những kỉ niệm thời thơ ấu (kể về bà nội )
Mở bài
Có phải một đứa trẻ sinh ra cần rất nhiều tình yêu thương nên thượng đế không chỉ tạo ra cha mẹ mà còn cho chúng được sống trong vòng tay của ông bà. Em là một đứa trẻ may mắn khi được sống cùng với bà nội từ ngày em vừa chào đời. Có lẽ thế mà em gần gũi với bà hơn ai hết, bà cũng dành cho em tình thương vô bờ.
Thân bài
Lúc em lên 7 đủ nhớ kí ức để sau này có thể kể lại thì bà em đã ngoài 70, cái tuổi hay quên quên, nhớ nhớ. Tóc bà dù đã bạc trắng gần hết nhưng bà chẳng chịu cắt đi. Bà thích búi tóc cao lên rồi trùm chiếc lưới màu đen bao quanh tóc cho gọn gàng. Ngày nhìn tấm ảnh trắng đen chụp lúc bà còn trẻ mà em giật mình. Bà nội mình đây sao? Cái cô gái trong hình nổi bật với đôi mắt to và mái tóc bồng bềnh ngang vai, khuôn mặt trẻ trung bẫu bĩnh trong rất đẹp là bà nội của mấy chục năm về trước. Còn bây giờ thời gian có chừa ai tuổi trẻ. Đôi mắt bà trũng sâu, mí mắt kèm nhèm. Sau ngần ấy năm, da bà chỉ còn lại những vết chân chim, đồi mồi chen chút nhau. Vầng trán rộng ngày nào giờ trơ lại những vết nhăn và nhô ra ngoài như bãi bồi lặng lẽ của một dòng sông. Chiếc càm nhọn nhấp nhô theo khuôn miệng nhai trầu nhỏm nhẻm của bà. Em thắc mắc hỏi bà “có nhiều thứ để ăn sao bà lại ăn trầu?”. Bà mỉm cười đáp: “Lúc trước bà cũng nghĩ như cháu, nhưng khi về già chẳng hiểu sao không ăn được thức gì ngon, trầu coi vậy mà nhai thì ghiền”. Bà còn bảo trầu là hương vị cuộc đời có đắng, cay, ngọt, bùi trong ấy.
Bà em không biết chữ nhưng bà lại thuộc biết bao câu chuyện, từ cổ tích đến chuyện đông tây, tiếu lâm rồi chuyện Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Tuổi thơ của em cũng gắn liền với hình ảnh chàng Vân Tiên đầu đội kim khôi tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô. Lúc ấy dù chẳng hiểu gì nhưng em vẫn hình dung được một chàng trai tài giỏi, khôi ngô cứ như hoàng tử bước ra từ cổ tích. Rồi những câu chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh đã nuôi tâm hồn em với biết bao mơ ước. Bà chẳng dạy em viết chữ, chẳng dạy em đánh vần nhưng dạy em đạo lí làm người. Những trưa hè bên cánh võng đong đưa, bà quạt cho em ngủ và ru bằng ca dao, tục ngữ “cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về”.
Kết bài
Mặc dù chẳng còn cái tuổi để nũng nịu cùng bà nhưng cứ mỗi lần về đến nhà là em lại muốn sà vào lòng bà để bà cưng nựng và mắng yêu “tổ cha bây, lớn rồi còn nhõng nhẽo”. Em chỉ mong sao thời gian trôi chậm lại để em có thể ở bên cạnh bà nhiều hơn nữa.