[Văn 7] Cảm nghĩ về một người thầy em yêu mến
BÀI LÀM
“Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa
Từng ngày, giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy”
Những ngày giữa tháng 11 này, dù có đi đâu, làm gì, tôi cũng luôn nhớ về câu hát ấy, câu hát nhắc nhở chúng tôi nhớ về người thầy đáng kính của mình. Một người thầy tận tụy, hết lòng vì lũ học trò ngây ngô bằng tình thương yêu vô bờ bến.
“Bố Sơn” là tên gọi mà lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi dành cho thầy. Không phải ngẫu nhiên mà bọn tôi gọi thầy là bố mà đó chính là tình cảm tận sâu trong tim, là lời cảm ơn chân thành vì bố dìu dắt bọn tôi trong những ngày tháng còn thơ dại.
Bố đến chủ nhiệm lớp tôi vào một ngày đầu tháng 11, khi cô chủ nhiệm trước đó phải “đầu hàng” vì vừa mang thai lại vừa phải chống chọi với ba mươi bốn đứa “tiểu yêu” nghịch ngợm. Ngày đầu gặp bố, chúng tôi ấn tượng bởi gương mặt hiền lành, nụ cười tự tin, dù thân hình không được cao lớn như những thầy giáo khác. Thế nhưng trái với vẻ ngoài hiền lành, nhỏ nhắn ấy, bố lúc nào cũng khiến chúng tôi khuất phục bởi ánh mắt đầy uy quyền và giọng nói trầm ấm mà theo lời của bố thì đó là “lời sấm trong một bản kinh kệ nào đó mà nếu các con không nghe theo chứng tỏ các con là những kẻ nghịch lại ý trời”. Câu nói tưởng đùa nhưng đó là sự thật. Bố không bao giờ quát tháo nhưng chẳng đứa nào dám ngông nghênh thách thức. Những lời lẽ nhẹ nhàng như chạm sâu vào trái tim của tụi học sinh hư hỏng, ánh mắt nghiêm nghị như bảo mỗi đứa hãy tự vấn bản thân mình. Và chẳng biết từ bao giờ, cái lớp cá biệt bị bỏ rơi ấy lại trở thành “Lớp 3 tốt” đầu tiên của trường.
Bố luôn tận tụy vì lũ con nheo nhóc chúng tôi. Ngày nào bố cũng đến lớp thật sớm, cùng làm vệ sinh, cùng giải bài tập, cùng các tổ trưởng đi trả bài từng người một. Nhờ vậy mà năm học đầu cấp, chẳng đứa nào bị xếp loại trung bình hay yếu kém. Cái tận tụy của bố còn ở chỗ kiên trì giải quyết mâu thuẫn trong lớp. Cứ mỗi lần nội bộ lớp có gì lục đục là y như rằng hôm sau bố đã nắm bắt được ngọn nguồn. Không cần hỏi han, không cần truy xét, bố nắm ngay đứa “phản loạn”, trảm ngay trước lớp. Bố bảo “học là 8, chơi là 9, đoàn kết là 10, chúng ta ở trong tập thể, cần phải đoàn kết, gắn bó với nhau, không được chia rẽ, nói xấu bạn, đặc biệt là bạn trong lớp mình”. Vậy là từ hôm đó, bố bắt chúng tôi đi chơi chung, đi học nhóm chung, đi dã ngoại chung, dù là đi đá banh, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt tập thể v.v… cả lớp đều cùng làm, cùng chơi, cùng hết mình với sự “lãnh đạo” nhiệt tình của bố. Từ lúc bố về chủ nhiệm, không có hoạt động nào mà không có sự hiện diện của bố, lúc thì ôm bình nước to đùng, lúc thì giữ ba lô, điện thoại để chúng tôi thoải mái tham gia. Bố như hậu phương vững chãi, lúc nào cũng ở phía sau nhìn bọn tôi trưởng thành từng chút một.
Bố hiểu hết tính tình, sở thích, hoàn cảnh gia đình của từng đứa. Sinh nhật ai bố cũng tặng quà, khi là quyển sổ, khi là cái thước, khi là cây bút bi kèm theo lá thư chúc mừng sinh nhật được bố viết tỉ mĩ, trang trí tinh tế vô cùng. Mỗi bức thư chính là một lời động viên, tâm sự mà bố gửi đến “lũ quỹ” của bố, để rồi đến giờ, đứa nào cũng giữ nó ở một vị trí đặc biệt trong tin.
Đối với tôi, bố không chỉ là người thầy, người bố, bố còn là người bạn rất thân. Mỗi lúc khó khăn, cần người chia sẻ, bố là người tôi nhớ đến đầu tiên. Khi thì bố ngồi cả giờ đồng hồ để nghe tôi tỉ tê to nhỏ, khi thì bố bắt máy rồi nghe tôi thúc thích suốt một hồi dài. Nhưng chỉ cần nghe giọng nói quen thuộc: “bố nghe nè con”, thì mọi nỗi buồn như mất hút, chỉ còn sự ấm áp quen thuộc luôn đùm bọc, chở che.
Đã nhiều năm trôi qua, chúng tôi tạm biệt bố, tạm biệt mái trường gắn bó cả tuổi thơ ngây dại để bắt đầu một hành trình mới, nhưng ánh mắt nghiêm nghị, giọng trầm ấm cùng những lời dạy dỗ, dặn dò của bố cứ theo chúng tôi mãi, mỗi khi hồi tưởng lại thấy nhớ, thấy thương.
Tôi muốn trở thành một người thầy giáo giỏi, vì có bố. Tôi muốn những học sinh của mình sẽ được học những bài học ý nghĩa về cuộc sống và cách làm người – những điều mà bố vẫn luôn gửi gắm. Tôi sẽ tự hào để kể với những thế hệ tiếp theo về một người thầy tận tụy, tận tâm, dành cả tuổi trẻ và tình yêu của mình để gieo những mầm sống yêu thương đến với chúng tôi. Đó là bố Sơn, người bố, người thầy nuôi dưỡng ước mơ, ươm mầm nhân cách.