[Văn 6] Kể về một người thân của em (ông ngoại) – bài viết số 3
Mở bài:
Có những người ở bên cạnh tôi mỗi ngày nên tôi cảm thấy thương yêu nhưng cũng có những người chỉ gặp vài lần mà sao tôi nhớ thương đến vậy. Ông ngoại tôi là người tôi luôn thương yêu và kính trọng dù không ở bên cạnh tôi mỗi ngày và cũng không còn trên thế gian này.
Thân bài:
Mẹ tôi lấy chồng xa ở một vùng quê hẻo lánh. Ngày ấy cũng ít phương tiện đi lại rồi nào lo gia đình chồng, lo cho các con và đi làm quanh năm nên mẹ ít khi về quê mình. Đến lúc chị em tôi đủ lớn, gia đình cũng khấm khá hơn lần đầu tiên tôi mới được về thăm ngoại. Gặp được ông, mẹ mừng mừng tủi tủi, thương tóc ngoại đã bạc nhiều bao năm trông mong con cháu. Tôi cầm lấy tay ngoại bàn tay sần sùi to bè nhưng ấm áp lạ thường. Ngoại ôm tôi vào lòng khẽ vuốt tóc tôi, tôi nghe mùi của rơm, của cỏ bám trên quần áo ông. Tôi nhớ mãi mùi quê hương ấy. Ông ngoại tôi dáng cao lớn và khỏe mạnh mặc dù tóc đã bạc đi nhiều. Gương mặt ông vuông vuông nhìn phúc hậu. Tôi thấy trán ông đã rất nhiều nếp nhăn, nếp nhăn trên cả khóe mắt và đôi bàn tay. Đã ngoài 70 tuổi nhưng mắt ông còn sáng lắm, bà tôi mất sớm nên mọi việc lớn nhỏ ông đều tự làm. Có lần tôi thấy ông tự may vá tôi thấy thương ông lắm. Tôi muốn được bên cạnh ông mỗi ngày để chăm sóc ông nhưng mẹ và tôi phải về lại nhà. Bao nhiêu năm xa cách tôi mới thật sự gặp ngoại của mình, thời gian 2 tuần lễ đối với mẹ và tôi thật ngắn ngủi. Ông dành hết tình thương cho con cháu, ông bỏ hết công việc đồng án để chơi đùa cùng tôi. Ông nuôi thật nhiều gà và trông nhiều cây trái nên ngày nào tôi cũng được ăn trứng và trái cây vườn nhà. Tôi nhớ nhất đêm trước ngày chúng tôi ra về, ông đốt ánh lửa bập bùng bên gốc sân rồi bảo chúng tôi ngồi quây quần bên nhau. Ông kể chuyện ngày xưa ông gặp bà, chuyện của các dì, cậu và cả mẹ tôi khi còn nhỏ. Ông bảo ông thật sự vui khi gia đình đoàn tụ và các cháu lớn khôn. Chúng tôi nghe ông kể chuyện có lúc buồn cười, có lúc ngậm ngùi nhớ về quá khứ. Trong ánh lửa, tôi cứ ngỡ ông là ông tiên râu trắng trong truyện cổ đến để dạy bảo tôi điều hay lẽ phải. Sáng hôm sau tiễn mẹ con tôi lên xe, ông rơm rớm nước mắt rồi lấy ra một chiếc vòng vàng đã cũ đưa cho mẹ: “Chiếc vòng này ba định cho con ngày con lấy chồng nhưng năm đó nhà mình nghèo, mẹ con bệnh nặng nên ba đã cầm nó cho người ta để lấy tiền. Giờ ba trao lại cho con, coi như món quà của mẹ dành cho con gái”. Tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên mặt mẹ. Tôi cũng khóc ôm chầm lấy ông. Ông trêu tôi: “Cháu của ông nhõng nhẽo y như mẹ con hồi đó. Ông cho con quyển tập này để con ghi lại những gì quý giá trong đời, đừng để lớn tuổi như ông rồi lại quên trước quên sau”. Tôi cầm quyển tập trên tay mà xúc động bồi hồi.
Tôi tự nhủ sẽ học thật giỏi để hè năm sau xin ba mẹ cho mình về thăm ông, ở đấy cùng ông cả mùa hè. Vậy mà…lúc tôi đang thi cuối kì năm lớp 4 ông tôi mất. Tôi đã cố xin mẹ cho về gặp mặt ông lần cuối nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo tôi phải hoàn thành kì thi, đạt kết quả cao để không phụ lòng ông. Tôi ôm quyển tập vào lòng và khóc. Chỉ một lần gặp gỡ ông nhưng đó cũng là lần cuối, giá mà tôi có thể ở cạnh ông lâu hơn nữa. Nhớ lại mẹ dặn tôi vực dậy và cố gắng học thật tốt để hè năm sau về thăm mộ ngoại tôi sẽ khoe với ông những tấm giấy khen.
Kết bài:
Dù không được bên cạnh ông nhiều nhưng với tôi hình bóng người ông kính yêu sẽ luôn khắc ghi trong lòng. Tôi sẽ giữ quyển tập ông tặng cẩn thận và ghi vào đấy kỉ niệm đáng nhớ nhất đời tôi về ông.