Đề Văn 9: tưởng tượng gặp và trò chuyện cùng các anh lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn của bài thơ Tiểu đội xe không kính
Hôm nay, trên lớp tôi được tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Trên đường về nhà tôi cứ ngâm nga mãi câu thơ
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Tôi say sưa tưởng tượng về hình đẹp của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm ấy và ao ước “giá tôi có thể gặp họ”. May mắn cho tôi là điều mong mỏi của tôi đã thành hiện thực vào trưa hôm ấy, tôi đã gặp được người lính bằng xương bằng thịt.
Vừa về đến ngõ, tôi đã nghe âm thanh rộn ràng của tiếng nói cười từ phòng đọc sách của ông. Tôi rất ngạc nhiên vì ông là người trầm lặng, ít có bạn bè, ngày thường ông chỉ chăm sóc hoa, cây kiểng rồi đọc sách, hiếm khi thấy ông gặp gỡ ai. Thấy bóng tôi lấp ló ngoài cửa, ông gọi:
- An, vào đây! Ông giới thiệu cho bạn của ông
Tôi nhẹ nhàng bước vào, trước mắt tôi là một ông cụ trạc tuổi ông tôi, tóc đã bạc gần hết nhưng đôi mắt vẫn còn rất sáng và linh hoạt. Ông mặc một bộ quân phục bạc màu nhưng rất sạch sẽ và phẳng phiu. Thoáng nhìn, tôi đã nhận ra đây là đồng đội của ông tôi ngày xưa.
- Đây là ông Thanh,bạn cùng niên, đồng hương cũng cùng ngày nhập ngũ với ông trước năm 1945.
- Cháu chào ông, cháu tên An, đang học lớp 9.
Ông khách vuốt đầu tôi:
- Hồi xưa, khi ông nội cháu còn ở Hà Nội, hai ông đã đăng kí nhập ngũ cùng ngày, nhưng ông cháu vào bộ binh và vào tận chiến trường miền Nam, còn ông vào tuyến đường Trường Sơn làm lính lái xe. Mấy chục năm rồi không ngờ gặp lại ở miền Nam, ông vui biết mấy cháu à!
Nghe ông giới thiệu là người lính lái xe trên trên tuyến đường Trường Sơn, tôi vui mừng như bắt gặp những ước mơ, vui như nối lại chiêm bao đã mất. Cuối cùng thì tôi cũng đã gặp được những người hùng trong lòng mình, sẽ nghe được chính họ nói về những ngày tháng hào hùng đã qua. Nhìn đôi mắt nhòe đi vì xúc động của ông, tôi nghĩ ông đang nhớ về đồng đội và một thời oanh liệt khó quên ấy.
- Ông ơi, cháu đã học bài thơ “Bài thơ tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật”, cháu thích lắm, hay là ông kể cho cháu nghe chuyện chiến trường và những người lính lái xe đi ông?
- Được rồi, cháu ngồi xuống đây, ông kể cháu nghe, chuyện dài lắm, bắt đầu từ ngày nhập ngũ nhé! Lúc đó, các ông đều là thanh niên Hà Thành, vừa mới rời xa mái trường, có người còn là bác sĩ,nhà thơ nữa đấy cháu. Các ông lên đường theo tiếng gọi tổ quốc, gian khổ thế nhưng hạnh phúc lắm cháu à! Hạnh phúc vì được cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước. Ông được phân công lái xe vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược, vũ khí..từ Bắc chi viện cho miền Nam. Con đường Trường Sơn khi ấy là con đường máu nên bọn Mỹ – Ngụy ném bom dữ dội. Những chiếc xe tải ban đầu đều trang bị tươm tất có kính, nhưng vì bom đạn khiến chúng tan tành hết cả. Không chỉ kính vỡ đâu những chiếc đèn xe cũng chẳng còn. Những hôm, lái xe nửa đêm, các ông chỉ biết dựa vào ánh sáng của trăng,sao mà thẳng tiến. Cả chiếc mui xe cũng bay mất vì àn bom đạn, cũng may là có các cô trinh sát kích những quả bom nổ chậm và san lấp mặt đường nên xe của các ông vẫn chạy. Nếu có một điều suy nhất, chắc là những vết xướt trên thùng xe đấy cháu. Băng qua những con đường rừng rậm rạp, các nhánh cây quẹt vào xe và cả mặt, thế nên vài ba vết xướt chỉ là chuyện nhỏ.
Tôi chăm chú lắng nghe rồi bất giác hỏi ông:
- Vậy khi xe không có kính có giống như Phạm Tiến Duật viết không ông?
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”
Ông bật cười:
- Đúng rồi cháu, xe không có kính thì có nhiều bất lợi lắm. Đầu tiên là gió, cái gió của rừng rát vào mặt mang theo bụi khiến khóe mắt cay xòe, cộng với tốc độ của xe, con đường phía trước như chạy thẳng vào lồng ngực. Đôi lúc ông còn tưởng những vì sao đêm và cánh chim sa vào buồng lái. Chẳng những gió, bụi đất đỏ mới là thứ đáng sợ. Những lúc chăm chú lái xe, bất chợt quay qua người bạn kế bên thì bật cười vì tóc tai, quần áo anh ta đã bám đầy bụi, chỉ còn chừa hai con mắt đỏ hoe. Nắng Trường Sơn bất chợt đi, mưa Trường Sơn bất chợt đến như một cô gái đa sầu cháu à! Mưa nặng hạt thoáng qua làm áo các ông ướt sũng, vậy đấy nhưng chẳng ai cần thay vì lát nữa đây gió lại lùa vào khô cả thôi.
Nghe ông kể, tôi ngậm ngùi thương cho những người lính và càng ngưỡng mộ hơn nữa tinh thần lạc quan của họ.
- Cháu đừng nghĩ kính vỡ là bất tiện hoàn toàn đâu nhé! Nhờ những chiếc kính vỡ các ông bắt tay đồng đội của mình mà không cần phải xuống xe.
Ông nói trong nụ cười vui vẻ:
- Những lúc nghỉ ngơi trên đường, đồng đội cùng nhau dựng bếp Hoàng Cầm, chia cho nhau từng bát cơm, miếng lương khô, bữa ăn đơn giản mà đầy ắp tiếng cười. Các ông mắc võng bên đường, đem đàn ra hát rồi ngồi tâm sự cùng nhau chuyện quê nhà, chuyện chiến đấu. Gian khổ đó nhưng chẳng ai nản lòng cháu à! Vì miền Nam còn đang đau khổ,miền Bắc phải là hậu phương vững chắc. Có như thế mới thống nhất được đất nước như ngày hôm nay.
Tôi nhìn vào ánh mắt của ông đang dâng lên niềm xúc động. Tôi cũng vậy, tôi hiểu hơn về bài thơ, hiểu hơn về một thời oanh liệt của đất nước mình để thấy rằng chúng ta thật may mắn khi sống trong hòa bình. Tôi càng yêu quý hơn những con người đã hi sinh thầm lặng, đã sống và chiến đấu quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.