Văn 9: Tưởng tượng gặp Vũ Nương trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương

Văn 9: Tưởng tượng gặp Vũ Nương trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh ấy là lời chung

“Phận đàn bà” mà Nguyễn Du nhắc đến không chỉ là một Thúy Kiều với nỗi khổ đoạn trường mà còn là thân phận của bao nhiêu người phụ nữ trong xã hội phong kiến điển hình là nhân vật Vũ Nương. Mặc dù đọc qua câu chuyện “Chuyện người con gái Nam Xương” nhiều lần, nhưng mỗi lần trải mình trên từng câu chữ của Nguyễn Dữ, tôi lại không ngăn được xúc động và niềm ao ước mãnh liệt: được gặp chính Vũ Nương – người con gái đã lấy cái chết chứng minh cho sự trong sạch của mình. Điều ước đó trở thành hiện thực trong một giấc mơ trưa.

Như mọi ngày, tôi lấy sách ra sau nhà để đọc, nơi có chiếc võng đung đưa và tiếng rì rào của những hàng cây. Một buổi trưa tĩnh lặng chỉ nghe thấy tiếng lá xào xạc trên vòm cây và tiếng chim đùa nhau trên mái nhà. Tôi đang ngẫm nghĩ về những nhân vật mình được học thì cơn buồn ngủ kéo đến và tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Tôi bàng hoàng khi trước mắt mình là một thế giới tuyệt đẹp, thế giới chỉ có trong cổ tích. Con đường tôi đang đi lóng lánh những sắc màu tuyệt đẹp của hàng nghìn viên đá khác nhau. Những rặng san hô hình thù kì lạ, lũ tôm cá hàng đàn rượt đuổi nhau. Tôi nhận ra mình đang ở thủy cung, nhưng điều kì lạ đó chẳng là gì so với việc tôi có thể trò chuyện được với những nàng tiên cá và nghe họ hát. Tôi say sưa lắng nghe tiếng hát của họ rồi bất giác vỗ tay khi bài hát kết thúc. Các chị nhận ra có người lạ nhưng chẳng mấy ngạc nhiên. Họ đến gần tôi và mỉm cười và trò chuyện như đã quen biết từ lâu:

  • Chúng ta có một vị khách trẻ tuổi đây. Các chị là tiên cá nơi cung nước của rùa thần, em là ai? Em giới thiệu để mọi người cùng biết.

Rất tự tin, tôi đã giới thiệu về mình và không quên khen ngợi tiếng hát của các nàng tiên cá còn hay hơn cả nhưng câu chuyện tôi được học. Trong các nàng tiên cá với bộ vảy óng ánh thì có một người con gái khác biệt. Nàng ấy rất trẻ, nàng mặc chiếc áo xanh da trời, trên tóc cài chiếc thoa ngọc. Thấy tôi chăm chú nhìn người con gái khác biệt ấy, các nàng tiên nói:

  • Còn đây là Vũ Nương, nàng ấy không phải tiên cá nhưng chúng tôi xem nàng ấy chẳng khác gì chị em. Đời nàng ấy buồn lắm,xưa kia ở trên trần gian bị chồng ruồng rẫy nên lấy cái chết minh oan. May mà hôm đó chị em ta đang dạo chơi ở bến nước Hoàng Giang, chứng kiến cảnh đau lòng nên rẽ một đường nước để nàng ta thoát chết.

Tôi không tin vào mắt mình, một cảm giác vui sướng vừa hồi họp khi nay đã tận mắt gặp được người mình luôn nghĩ tới. Được nhắc đến tên mình, Vũ Nương bước lại gần tôi hơn. Nàng nhìn vào mắt tôi và hỏi:

  • Em có tò mò về cuộc đời ta hay không? Dù mới gặp em lần đầu nhưng ta cảm thấy rất thân quen. Nếu muốn, ta sẽ kể cho em nghe về những ngày tháng mà ta chỉ muốn quên đi.

Đó là điều hằng mong ước bấy lâu nay, nên tôi nhanh chóng đáp lại:
– em rất muốn nghe ạ!

Vũ Nương kéo tay tôi ngồi vào một tảng đá đẹp rồi nhẹ nhàng câu chuyện:

  • Ta sinh ra ở Nam Xương, gia đình ta nghèo ba mẹ ngỏ ý muốn ta lấy Trương Sinh,một người cùng làng để ta được yên phận vì nhà người ta cũng là gia đình danh gia vọng tộc. Huống hồ gì Trương Sinh cũng đem lòng cảm mến ta và nhiều lần dạm ngõ. Ta thuận tình cha mẹ nên đồng ý lấy chàng và cũng muốn vui cảnh nghi gia nghi thất. Chồng ta – Trương Sinh dù lớn lên trongnhung lụa nhưng lại không đi học, điều đó chẳng đáng kể gì nếu như chàng ta không vốn tính cộc cằn, gia trưởng, đối với ta phòng ngừa quá mức. Ta thương chồng, trọng nghĩa phu thê nên chẳng bao giờ làm điều gì khiến chàng ấy phải bận lòng.

Vũ nương tâm sự trong tiếng thở dài, nàng cúi đầu giấu giọt nước mắt lăn dài trên má:

  • Năm đấy, triều đình có lệnh bắt lính, Trương Sinh không thể tránh khỏi nên ta và mẹ già đành ngậm ngùi từ biệt. Nỗi đau tiễn chồng ra trận chưa được nguôi ngoai thì mẹ già lâm trọng bệnh. Ta thương mẹ, chăm sóc, lo lắng như mẹ ruột của mình. Có lẽ bệnh của bà không phải chỉ vì tuổi già sức yếu mà vì trông đợi đứa con trai biền biệt chẳng biết sống chết thế nào. Nước khánh chuông rền, sức cùng lực kiệt, bà chẳng thể đợi ngày xum vầy với con mình mà đã vội vàng ra đi mãi mãi. Lúc đó ta như người mất hồn, nỗi đau chia lìa người thân khiến ta suy kiệt. Nhưng vì phận là dâu, làm vợ, ta thay chồng lo toan mọi việc chu toàn cho gia đình, ma chay tế lễ mẹ chồng ta.

Dù những chuyện Vũ Nương kể tôi cũng đã nắm được khi học xong câu chuyện nhưng muốn được nghe tận lời người trong cuộc nên tiếp tục tò mò:

  • 3 năm sau, Trương Sinh trở lại quê hương đoàn tụ với gia đình có phải vậy không chị?
  • Đúng rồi em, chinh chiến vừa tan, ta vui mừng bao nhiêu ngày chàng trở lại, ngỡ là chim Việt đậu cành Nam nào ngờ giông bão đời ta từ đó bắt đầu. Ta biết trách ai bây giờ? Trách chàng Trương hay trách chính mình. Những ngày không có chàng bên cạnh,bé Đản cứ hỏi ta cha nó đâu. Nhìn thấy khuôn mặt đáng thương của con, ta đùa với nó cho vui rằng cha con chính là cái bóng trên vách chỉ xuất hiện lúc đêm đến. Ấy vậy mà, câu nói đùa đấy lại đưa ta vào bóng tối cuộc đời. Hôm Trương Sinh bế con ra thăm mộ mẹ, thằng bé cứ một mực không chịu cha nó. Trương Sinh buồn bã nói rằng “ Cha về, bà mất, cha buồn khổ lắm rồi”. Thương cho con trai ta, nó có biết gì đâu, nó bảo với chàng là cha nó chỉ đến vào ban đêm.

Nói đến đây, nàng ngập ngừng trong tiếng khóc:

  • Chỉ thế thôi, chàng ấy về nhà đùng đùng nổi giận, quát tháo tra hỏi ta. Ta không hiểu rõ nguyên nhân và chàng cũng chẳng cần giải thích. Chàng cho ta là trắc nết, đoan tâm, lăng loàn. Hàng xóm có sang minh oan, giải bày chàng cũng để ngoài tai. Ngọn lửa trong lòng chàng thiêu đốt lí trí chàng, thiêu cả tình cảm phu thê để rồi chàng buộc miệng nói những lời cay đắng xua đuổi ta. Ta là phận nữ nhi,khi xuất giá theo chồng thì nguyện sống chết cũng chẳng thể về nhìn mặt ba mẹ mình được nữa. Nỗi oan ức chỉ lòng trời soi thấu nên ta đã lấy cái chết mà minh oan cho chính bản thân mình.

Nói đến đây, Vũ Nương lấy khăn lau vội dòng nước mắt, các nàng tiên cá cũng sụt sùi theo. Chẳng hiểu sao tôi ngồi đấy như tượng và lồng ngực thì có cái gì đè nặng. Thương cho Vũ Nương, thương cho nhưng người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh, họ quá thấp cổ bé họng nên chẳng biết kêu than cùng ai.

  • ở chốn cung nước xinh đẹp này, chị có quên đi nỗi đau ngày ấy hay vẫn còn nhớ cố nhân?

Vũ Nương ngước mắt nhìn về một hướng xa xăm, chắc nơi đó là quê nhà của chị:
–  làm sao ta có thể quên đi những kí ức ấy huống hồ gì ta còn có cha mẹ thân sinh và bé Đản. Chỉ tiếc rằng ta không thể trở về được nữa, ơn đức của Linh Phi và tình sâu nghĩa nặng của các chị em ở đây đã xoa dịu nỗi đau của ta, cho ta một kiếp sống mới, hoàn toàn khác chứ không phải Vũ Nương của ngày xưa. Người con gái chung thủy ấy đã chết từ lúc chồng cô ta ruồng bỏ.

Tôi nắm bàn tay của chị như để an ủi , động viên:
–  Em biết rằng Trương Sinh cũng đã ăn năn về lối ghen tuông vô cớ của mình, chàng ta có lập đàn giải oan cho chị ở bến sông Hoàng Giang đúng không?
– nhắc đến đây, ta phải tạ ơn Phan Lang, người cùng làng của cố nhân đã trao gửi giúp ta lời mong ước và tín vật. Nhưng em ơi, nước đổ đi rồi làm sao hốt lại, có những chuyện phải thuận theo ý trời. Duyên tình của ta và chàng trương đã hết.

Giọt nước mắt của Vũ Nương rớt xuống mắt tôi, khiến mắt tôi cũng cay xòe. Tôi choàng tỉnh giấc trong cái nắng trưa gay gắt mà cứ ngỡ mình còn lạc nơi cung nước rùa thần. Phải một lúc lâu, tôi mới nhận ra mình đã mơ, một giấc mơ chẳng khác gì sự thật. Tôi vừa sung sướng vừa luyến tiếc như cái cảm giác sắp chạm vào một ngôi sao tuyệt đẹp. Giấc mơ không có thật nhưng sự đồng cảm, trân trọng của tôi đối với Vũ Nương nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung là thật.

3.2/5 - (29 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →