Thuyết minh về con trâu Việt Nam
Mở bài:
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh con trâu lại được chọn làm linh vật cho Seagame năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam. Trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt từ xưa đến nay, con trâu là biểu tượng cho sự mộc mạc, khỏe khoắn. Hiếm có một loài động vật nào lại gắn liền với nền văn hóa lúa nước và nhẹ nhàng đi vào ca dao, tục ngữ dân gian như hình tượng chú trâu đen, trâu xám nhởn nhơ gặm cỏ, hiền lành, thân thiết với người nông dân.
Thân bài:
- Nguồn gốc, xuất xứ trâu Việt Nam
- Trên thế giới có rất nhiều giống trâu từ vùng hoang sơ, lạnh lẽo đến vùng đầm lầy, rừng rậm, núi cao…Tuy nhiên để nói đến trâu nhà phải nhắc đến giống trâu được thuần hóa từ trâu rừng. Giống trâu này hay còn gọi là trâu nước được tìm thấy chủ yếu ở Châu Á với sức vóc vừa phải và tính cách hiền lành thích hợp trong công việc kéo cày.
- Trâu nhà chia làm hai loại, trâu sông và trâu đầm lầy. Trâu Việt Nam thuộc lớp trâu đầm lầy (Swamp buffalo)
- Đặc điểm cơ bản của trâu
- Trâu là loài động vật khá to lớn, thân hình vạm vỡ có cân nặng từ 250 – 500kg. Màu da và lông chủ yếu là đen, xám, hiếm gặp những chú trâu lông trắng. Sợi lông ngắn cứng và khá thưa.
- Trâu có các bộ phận: đầu, thân, đuôi, cổ, chân,da. Đầu trâu to khá ngắn và chiếc mõm dài, phía trên là đôi sừng đen, đầu sừng rất nhọn, cong về phía sau. Trán rộng, phẳng và hơi gồ lên. Đối với trâu đực đầu khá to và thô, trâu cái đầu thanh dài hơn. Mắt to đen, mũi kín, miệng rộng đặc biệt hàm trên không có răng chỉ có lớp đệm dày thích hợp cho việc nhai lại.
- Phần thân trâu: ngực rộng, cổ dài vừa phải, bụng tròn, mông nở rộng. Bốn chân to khỏe, vững chãi. Đuôi trâu to dài và có túm lông mọc hình chiếc chổi phía sau giúp trâu ngoe nguẩy đuôi để đuổi ruồi, muỗi. Da trâu mỏng nhưng cứng và bóng láng ở bề mặt.
- Trâu bắt đầu sinh sản khi đến 3 tuổi, trâu đẻ theo mùa vụ và một vụ thường được 1 con nghé con. Nghé con chào đời nặng hơn 20 kg.
- Lợi ích của con trâu đối với đời sống người dân:
- Đối với người Việt xưa, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, trâu giúp kéo cày để trồng lúa, trong khi đó người nông dân sống chủ yếu dựa vào thu hoạch lúa. Trâu còn kéo mạ ra đồng, kéo lúa đã gặt về nhà. Ở một số vùng đồi núi, trâu là phương tiện vận chuyển hàng hóa, rất dễ để bắt gặp hình ảnh trâu kéo gỗ, kéo đất…
- Trâu là gia tài của người nông dân, có một thời nó là ước mơ của biết bao người, có được trâu là có được phương tiện làm ra của cải.
- Thịt trâu nhiều đạm và là bài thuốc quý để chữa một số bệnh, da trâu dùng làm trống, sừng trâu là đồ thủ công, mỹ nghệ…
- Vị trí của con trâu trong đời sống tình cảm và nghệ thuật
- Trâu không chỉ là động vật được nuôi để làm phương tiện lao động mà dần trở thành người bạn thân thiết của nông dân. Trâu được nuôi trong chuồng, được chăm sóc cẩn thận. Đối với trẻ em, hình ảnh con trâu trở thành câu đồng dao,bài hát ru thân thuộc “dí dầu dí dẩu, dí dâu, dí qua dí lại dí trâu vô chuồng”. Cùng với tiếng sáo diều và những buổi chiều mát mẻ, chú mục đồng ngồi trên lưng trâu cất giọng hát líu lo đã trở thành hình ảnh đẹp, giản dị và thơ mộng.
- Con trâu sống trong tâm linh và niềm tin của con người về đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó, cần cù lam lũ quanh năm như chính người nông dân. Trâu còn là biểu tượng cho sự chân thành, khiêm tốn, dũng cảm nhưng cũng rất thủy chung với con người.
- Trâu gắn với nhiều lễ hội của người dân ở mọi miền đất nước: hội đâm trâu, chọi trâu, thi trâu, tạ ơn trâu…diễn ra hằng năm để bộc lộ sức mạnh, vai trò của trâu trong đời sống.
- Trong văn học, nghệ thuật, từ ca dao dân ca đến văn học viết đều không thiếu hình bóng những chú trâu. Trong điêu khắc, hội họa, âm nhạc trâu cũng là đề tài được nhắc đến nhiều. Dù ở góc độ nào con trâu cũng gợi cho người nghe, người đọc cảm giác yên bình, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
- Hình ảnh con trâu trong hiện tại và tương lai:
– Thời đại của công nghiệp hóa, kĩ thuật máy móc đã thay thế sức lao động của con trâu. Hình ảnh những chú trâu trên ruộng đồng không còn nhiều. chú bé mục đồng cưỡi trâu thổi sáo cũng chỉ là trong văn chương, niềm hoài cổ của con người.
- Tuy nhiên ở một số vùng, trâu vẫn được nuôi với số lượng khá lớn phục vụ cho việc dùng sức kéo, lấy thịt và cung cấp nguyên liệu cho ngành thủ công, mỹ nghệ.
Kết bài:
Rời khỏi vỏ bộc của loài trâu hiền lành, chịu thương chịu khó, con trâu còn dạy cho chúng ta nhiều bài học quý về sự cẩn trọng, tuy chậm và chắc, từng bước tiến nhưng mỗi bước đều quan trọng và vững vàng trước song gió của thời đại và vòng xoáy sự phát triển trọng hình thức bên ngoài.