[Văn lớp 7] Biểu cảm về cây Tre – bài viết số 2

[Văn lớp 7] Biểu cảm về cây Tre – bài viết số 2

Bài làm:

“Tre xanh xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

Nếu nói sen hồng là Quốc hoa của Việt Nam thì tre xứng đáng được làm loài cây tượng trưng cho đức tính của con người Việt, tre là loại cây có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống từ giá trị vật chất đến những giá trị tinh thần quý báu.

Từ xưa đến nay hình ảnh cây tre đã gắn bó ngàn đời với người Việt, là loài cây đi liền với văn hóa dân tộc mà chúng ta, không ai biết người Việt đã biết sử dụng tre từ lúc nào. Từ cái thời Thánh Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, nhổ bụi tre ven đường làm vũ khí quất vào giặt, hay từ cái giây phút Lang Liêu nằm mơ và quyết định làm bánh chưng bánh giày tế trời tế đất mà chẻ tre làm lạt

“Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”

Hay từ cái giây phút tôi nghe các bạn cùng nghêu ngao đọc

“Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”.

Chỉ biết rằng, hình ảnh cây tre đã đi cùng với người Việt trong suốt chiều dài lịch sử.

Và cũng có lẽ chưa có loại cây nào phổ biến rộng như cây tre, trên khắp mọi miền tổ quốc, dù đi đến nơi nào bạn cũng có thể nhìn thấy hình bóng của cây tre. Chính vì thế mà ở Việt Nam ta có rất nhiều giống tre khác nhau như tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu…

Có lẽ trên thế gian này, ngoài cỏ dại thì tre là loài cây dễ trồng nhất trên đời. Tre không hề kén chon đất đai, chưa bao giờ kén chọn thời tiết. Chỉ cần có một mục măng xuất hiện, thì vĩnh viễn nơi ấy sẽ luôn có tre, dù ban đầu chỉ  là một mầm măng nhỏ, nhưng trưởng thành rồi tre cứng cáp, dẻo dai

“Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”

Thân tre gầy guột, hình ống rỗng bên trong, màu xanh lục, đậm dần về gốc. Cũng có giống tre vàng óng, nhẵn thính, cũng có giống tre nhiều gai nhọn. Lá tre mỏng manh xanh một màu thủy chung trước sau như một. Và rễ của loài cây ấy, mọc thành từng chùm cằn cỗi nhưng bám rất chắc vào đất, vì vậy mà tre luôn mọc thành bụi lớn dù trời long đất lỡ tre vẫn vững vàng trước gió

Tre là loài cây gắn liền với cuộc sống con người Việt Nam, tre xuất hiện trong tất cả mọi hoạt động. Trong lao động và sinh hoạt, tre chính là cánh tay đắt lực của người nông dân. Bóng tre dang rộng, ôm trọn và tỏa bóng mát cho bản làng, xóm thôn. Trong vòng tay tre, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu nhờ có bóng râm mà nhởn nhơ gậm cỏ, các bác nông dân nhờ bóng tre mà ngã lưng chợp mắt giữa trưa oi bức.

Tre ăn ở với con người đời đời kiếp kiếp. Khi chưa có gạch ngói, những mái nhà tranh chính là nơi che mưa che nắng, nghi ngút khói cơm chiều của người dân. Không vật dụng gì không được làm bằng tre: với các bác nông dân, tre là cán cày cán cuốc, là những chiếc rỗ rá bắt cá bắt cua…với các mẹ, các chị tre là những vật dụng nấu nướng hằng ngày từ đôi đũa đến nong nia…với các câu bé nơi thôn dã, tre là những ống sáo, ống tiêu, là những thanh chuyền bằng tre hay cần câu cắm đồng bắt cá…với các cụ già ngồi bàn chuyện đời với điếu cày tre, ấm trà đặc cùng những chiếc tách làm bằng mắc tre già mà với họ quý hơn cả vàng bạc.

Đời sống vật chất là thế, với nền văn hóa Việt Nam tre là một hình tượng không gì thay thế được. Từ ngày dân mình biết đánh giặc, tre đã là người đồng chí cùng đồng cam cộng khổ. “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín…”, ngay trong chính Tuyên ngôn độc lập của Bác cũng vẫn có hình bóng của tre “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có súng không có gươm thì dùng cuốc thuỗng gậy gộc…”

Và nhất là tre chính là đại diện cho tâm hồn Việt, cho tính cách Việt: cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó, đoàn kết một lòng. Hãy thử trồng 1 cây tre. Bạn gieo giống xuống đất, chăm sóc, tưới nước chu đáo mỗi ngày. Và bạn chờ đợi…

Một năm trôi qua. Trong khi trăm hoa đua nở rồi tàn thì giống tre của bạn vẫn nằm im không động tĩnh. Bạn vẫn tiếp tục chăm sóc, và đợi thêm một năm nữa. Nhưng đến năm thứ 2 bạn cũng không thấy gì, năm thứ 3 cũng không thấy gì, năm thứ 4 cũng không thấy gì… Hãy đợi thêm một năm nữa. Vào năm thứ 5, bạn sẽ thấy măng nhú lên, và chỉ trong vòng 6 tuần, cây tre của bạn đã vụt cao 27 mét.

Bởi vì trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời, tre chỉ phát triển bộ rễ! Từ cây tre mà con người có thể học được rất nhiều bài học quý giá, nhất là sự kiên nhẫn, xây dựng gốc rễ vững chắc và niềm tin.

Tre đã trở thành biểu tượng của Việt Nam, của những con người nồng hậu. Mai sau, dù có bao giờ, tre vẫn mãi là người bạn đời của mỗi người Việt. Với tôi tre còn là người bạn hiền lành, chân thành nhất. Tre giữ hình bóng quê hương, tre giữ kỉ niệm tươi đẹp thời thơ ấu. Tôi yêu màu xanh xanh của tre, màu xanh hi vọng và mơ ước. Tôi sẽ học cách kiên nhẫn, chăm chỉ như tre và cố gắng làm những việc hữu ích cho đời.

2.8/5 - (6 votes)

About Phan Trúc Phương

Chia sẻ những bài văn mẫu hay do cô tự biên soạn nhằm giúp các em học tốt văn hơn.

View all posts by Phan Trúc Phương →

Leave a Reply